Hà Nội thiệt hại hàng tỉ đồng mỗi ngày do ô nhiễm không khí?
Hà Nội thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày do ô nhiễm không khí?
Lượng thải ở Hà Nội chính xác là bao nhiêu?
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Ô nhiễm môi trường, đặc biệt do rác thải, nước thải tại các đô thị lớn, các khu công nghiệp, làng nghề, các lưu vực sông trên cả nước và nhiều vấn đề môi trường khác đã trở thành những vấn đề nóng và là mối quan tâm của toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước.
Theo ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán nhà nước, thời gian qua KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán môi trường như: Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; cuộc kiểm toán các vấn đề về nước sông Mê Kông (cuộc kiểm toán song song giữa 5 KTNN thuộc ASEANSAI); các cuộc kiểm toán chuyên đề về quy hoạch đô thị, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản…
“Qua những cuộc kiểm toán này, KTNN Việt Nam đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và dành sự quan tâm đến các khía cạnh về môi trường”, ông Tiên cho hay.
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường cho rằng, muốn phát triển nhanh và bền vững, cách tốt nhất là phải kết hợp giữa thực tiễn với kinh nghiệm quốc tế. Trong đó, các loại chất thải phải được biến thành nguyên liệu đầu vào cho các ngành nghề khác.
“Trong lĩnh vực môi trường, kiểm toán cần tính toán lượng thải, ví dụ như lượng thải ở Hà Nội chính xác là bao nhiêu, để từ đó đưa ra được chiến lượng quản lý cụ thể. Kinh tế cứ tăng trưởng, còn chất thải dần về số không, có như thế mới đảm bảo kinh tế tăng trưởng và bền vững”, ông Chinh cho hay.
Hàng loạt "điểm nóng" môi trường
Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt “điểm nóng” gây ô nhiễm và sự cố về môi trường thời gian qua, điển hình như: Ô nhiễm sông Thị Vải do hóa chất thải ra từ nhà máy Vedan suốt 14 năm liền. Vụ ô nhiễm môi trường biển bởi Formosa vào năm 2016; ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí bởi nhiệt điện Vĩnh Tân, hay sự cố vỡ đập chứa Gyps thải của Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem (Lào Cai)…
Đặc biệt, gần đây nhất là vụ cháy nhà kho của Công ty Rạng Đông ở Thanh Xuân, Hà Nội.
Còn tại Hà Nội, theo tính toán của chuyên gia, TS Nguyễn Minh Phong, trung bình tổng lượng chất thải rắn khoảng 5.000 tấn mỗi ngày. Việc thu gom, vận chuyển rác thải chỉ thực hiện trong phạm vi từng nhà máy, việc xử lý chủ yếu thực hiện bằng các lò đốt tương đối đơn giản với vốn đầu tư khá khiêm tốn.
Đặc biệt, các rác thải công nghiệp nguy hại hầu như chưa được xử lý. Chỉ tính riêng các cơ sở y tế, trong tổng số 48 bệnh viện và Trung tâm Y tế do thành phố quản lý, mới chỉ có 8 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động, một số bệnh viện đang trong giai đoạn xây dựng hệ thống xử lý, còn lại lượng nước thải bệnh viện không được xử lý, thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung.
Theo ông Phong, thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra đối với Hà Nội ước tính khoảng 1 tỷ đồng mỗi ngày, chưa tính đến thiệt hại đối với nông nghiệp và cây xanh.
Đề cập đến việc xử lý các vi phạm môi trường, UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2018, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra, thanh tra gần 3 nghìn cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 1.817 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 16 tỷ đồng.
Hà Nội kiến nghị Bộ TN&MT sớm ban hành hướng dẫn cụ thể phương thức phân loại chất thải tại nguồn. Trong đó cần lưu ý thực hiện phân loại, tách chất thải hữu cơ trong rác thải, ưu tiên tái chế thành phân compost.