|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội sẽ thành lập, mở rộng 15-20 CCN mới trong năm nay

11:56 | 18/03/2022
Chia sẻ
Theo kế hoạch đầu tư phát triển cụm công nghiệp trong năm 2022, Hà Nội sẽ thành lập, mở rộng 15-20 CCN mới.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố trong năm 2022.

Theo nội dung được phê duyệt, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 CCN đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019 - 2020 và quyết định thành lập, mở rộng thêm 15-20 CCN mới trong năm nay. 

Bên cạnh đó, TP sẽ bổ sung 4 CCN mới vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

TP cũng sẽ khởi công và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại 45 CCN đã có quyết định thành lập, trong đó có CCN Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai), CCN CN3 (huyện Sóc Sơn) và 43 CCN được thành lập giai đoạn 2018 - 2020.

Đối với các CCN còn diện tích theo quy hoạch có nhu cầu mở rộng, TP sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm hoàn thiện hạ tầng đảm bảo đồng bộ theo quy định và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2.

Hà Nội cũng có kế hoạch tăng cường tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý các CCN trên địa bàn TP.

Tính đến hiện tại, Hà Nội có 26 CCN đã hoàn thiện hạ tầng. Trong đó, có 12 CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư (CCN Phú Thịnh, CCN Ngọc Liệp, CCN Yên Nghĩa, CCN Quất Động, CCN sơn mài Duyên Thái, CCN Liên Phương, CCN Ngọc Hòa, CCN Từ Liêm, CCN Ngọc Hồi, CCN Phú Thị, CCN Kiêu Kỵ, CCN Đông Anh).

14 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư bao gồm: CCN Thị Trấn Phùng (CTCP Đầu tư Thương Mại Tân Cương), CCN Tân Hội (CTCP ĐTXD và PTĐT Thăng Long), CCN Dương Liễu (CTCP Tập đoàn Dương Minh), CCN Quất Động 2 mở rộng (CTCP Giao thông Hồng Hà), CCN Hà Bình Phương I (CTCP Đầu tư DIA), CCN Hà Bình Phương II (Công ty TNHH Nam Khải), CCN Duyên Thái (CTCP Giao thông Hồng Hà), CCN Văn Tự, CCN Ngọc Sơn (CTCP Lộc Ninh), CCN Thanh Oai (CTCP Coma 18), CCN Tân Triều (CTCP KD XNK Vạn Thuận), CCN thực phẩm Hapro (TCT Thương mại Hà Nội Hapro), CCN Ninh Hiệp (CTCP ĐTHT KCN và ĐT số 18), CCN Nguyên Khê (Liên danh CTCP Đông Thành và CTCP ĐTPT Việt Nam).

Trong số 44 CCN chưa hoàn thiện hạ tầng trên địa bàn TP, huyện Hoài Đức dẫn đầu với 8 CCN, kế đến là huyện Thạch Thất (7 CCN), huyện Chương Mỹ (5 CCN), huyện Ba Vì (3 CCN), huyện Thanh Oai (3 CCN, trong đó có 1 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư), huyện Phúc Thọ (3 CCN), huyện Đan Phượng (3 CCN), huyện Ứng Hòa (3 CCN), huyện Thường Tín (3 CCN), huyện Đông Anh (2 CCN), thị xã Sơn Tây (1 CCN), huyện Quốc Oai (1 CCN), quận Hà Đông (1 CCN), huyện Gia Lâm (1 CCN).

Ngọc Anh