Hà Nội lần đầu tiên thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng
Chiều 11/12, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh đã giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Theo ông Thanh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do bão Yagi, kinh tế Thủ đô năm 2024 vẫn đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 6,12%, dự kiến cả năm khoảng 6,52% (cùng kỳ 2023 là 6,27%).
Thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch, một không đạt là tỷ lệ vận tải hành khách công cộng. Quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD, trong đó thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2023, chiếm 24,6% tổng thu cả nước.
Thu nội địa cao nhất cả nước, đạt khoảng 470.000 tỷ đồng, chiếm hơn 29,8% tổng thu nội địa cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Đoàn về thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, ông Thanh nói chỉ tiêu GRDP giai đoạn 2021-2025 là 7,5-8%. Do Covid-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh sa sút, năm 2021 GRDP chỉ đạt 2,97%. Các năm tiếp theo thành phố đã cố gắng, nhưng kết quả chưa xứng với kỳ vọng và tiềm năng (năm 2022 là 8,95%, 2023 là 6,27%, 2024 là 6,52%).
Ba chỉ tiêu kinh tế xã hội 5 năm khó có thể đạt là GRDP bình quân (dự kiến đạt 170/190 triệu đồng), năng suất lao động bình quân (dự kiến 4,81%/7-7,5%); huy động vốn đầu tư xã hội (dự kiến đạt 2,5 triệu tỷ/3,1-3,2 triệu tỷ).
Chủ tịch thành phố cho rằng để đạt kế hoạch 5 năm thì năm sau GRDP phải đạt hai con số, khoảng 12-13%. "Đây là mục tiêu thách thức, nhưng không có nghĩa là không thể đạt. Từ nay đến kết thúc nhiệm kỳ, UBND thành phố sẽ tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng tốc, bứt phá phát triển", ông Thanh nói.
Phát động phong trào Hà Nội sạch
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu nêu vấn đề ô nhiễm không khí, các dòng sông nội đô, thu gom xử lý rác thải. Đại biểu Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, dẫn thông tin kết quả quan trắc môi trường không khí lúc 18h ngày 10/12 cho thấy nhiều khu vực ở Thủ đô chỉ số AQI mức rất xấu (trên 200), cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Ông đề nghị thành phố có giải pháp cải thiện chất lượng không khí trước mắt và lâu dài.
Chủ tịch TP Hà Nội cho hay thành phố đang quyết tâm cải thiện môi trường một cách triệt để, thực chất, toàn diện, từ việc thu gom, xử lý rác thải, xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch đến việc tập trung xử lý vấn đề nước thải. Thành phố sẽ làm "sống lại" các dòng sông nội đô, trước mắt là sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh trước ngày 2/9/2025.
Ngày 10/12, Chủ tịch thành phố đã ký văn bản và trong tuần sau sẽ phát động phong trào Hà Nội xanh, sạch, đẹp với cách làm thực chất để thay đổi căn cơ bộ mặt đô thị trong năm 2025. Trước hết, bốn quận nội đô sẽ thí điểm thu gom rác thải bằng các phương tiện hiện đại, ít nhất mỗi tháng một lần tổ chức tổng vệ sinh môi trường.
Theo chương trình kỳ họp, ngày 12/12 HĐND thành phố sẽ xem xét thông qua nghị quyết vùng phát thải thấp. Ông Thanh cho biết sau khi có nghị quyết, thành phố sẽ phối hợp với doanh nghiệp và người dân xây dựng kế hoạch hành động cụ thể theo hướng hạn chế tối đa phương tiện sử dụng xăng dầu đi vào vùng phát thải thấp. Người dân sống trong các khu vực này có thể được hỗ trợ đổi xe máy để đa số chuyển sang xe điện, cải thiện môi trường không khí.
Sắp xếp bộ máy tinh gọn
Liên quan việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18 của trung ương, Chủ tịch Hà Nội thông tin các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố sẽ sáp nhập, giải thể một số sở và tương đương, chuyển một số nhiệm vụ về các sở theo lĩnh vực chuyên môn.
Cụ thể thành phố sẽ hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Lao động Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ. Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ sẽ chuyển về Ban Dân tộc, thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo.
Thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án sắp xếp đối với các cơ quan báo chí, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố. Hà Nội sẽ rà soát tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.
Ngoài ra, thành phố đang sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo tinh thần Nghị quyết số 1286 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, Hà Nội sẽ sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 53 xã.
Sau khi sắp xếp, TP Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 526 đơn vị hành chính cấp xã.