Hà Nội kêu gọi đầu tư hai công viên mở tại quận Hà Đông và huyện Thanh Trì
Công viên 300 tỷ đồng dở dang trên đất vàng Hà Nội | |
Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu công viên sinh thái Vĩnh Hưng rộng hơn 15ha |
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội mới đây vừa công bố kêu gọi đầu tư hai dự án khu cây xanh kết hợp dịch vụ tại huyện Thanh Trì và tại quận Hà Đông. Mục tiêu đầu tư các dự án này là nhằm xây dựng khu cây xanh, tạo không gian, môi trường xanh sạch, đẹp phục vụ nhu cầu sinh hoạt, thể thao, nghỉ ngơi, cải tạo cảnh quan khu vực.
Hai công viên mở mà Hà Nội kêu gọi đầu tư là Khu cây xanh và dịch vụ tại quận Hà Đông và Khu cây xanh kết hợp dịch vụ và thể dục thể thao tại huyện Thanh Trì. (Ảnh minh họa) |
Trong đó, dự án đầu tiên là Khu cây xanh và dịch vụ phường Vạn Phúc, quận Hà Đông tại ô quy hoạch ký hiệu 10-1, phân khu đô thị S4, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Khu đất có nguồn gốc là đất xen kẹp, thuộc khu dân cư mới phường Vạn Phúc, đã được giải phóng mặt bằng.
Dự án có tổng diện tích khoảng 5.943 m2 với tổng vốn đầu tư gần 5,7 tỷ đồng (vốn của nhà đầu tư). Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý II/2019.
Dự án thứ hai là Khu cây xanh kết hợp dịch vụ và thể dục thể thao tại ô đất ký hiệu E5-CXKV4, phân khu đô thị H2-3, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Hiện trạng khu đất là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64 của Chính phủ và đất mương nội đồng.
Dự án có tổng diện tích khoảng hơn 9.712 m2 với tổng vốn đầu tư khoảng 24,8 tỷ đồng (vốn của nhà đầu tư). Tiến độ thực hiện dự kiến trong hai năm 2018 – 2019.
Sau khi đầu tư, cả hai dự án được vận hành, khai thác theo cơ chế là Khu cây xanh kết hợp dịch vụ hoạt động theo hình thức công cộng (công viên mở).
Đối với phần diện tích công cộng không có mục đích kinh doanh, sau khi hoàn thành, chủ đầu tư phối hợp với UBND quận, huyện tổ chức nghiệm thu giao nhà đầu tư quản lý, duy tu, duy trì theo quy định bằng kinh phí của nhà đầu tư, dưới sự kiểm tra giám sát của UBND quận Hà Đông. Người dân khi tham gia sinh hoạt tại khu công cộng không thu phí, thành phố không thu tiền sử dụng đất và không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Còn phần công trình công cộng có mục đích kinh doanh cần xác định công năng các hạng mục có tính chất phục vụ trực tiếp người dân khi sinh hoạt tại khu cây xanh (diện tích bãi đỗ xe xem xét cụ thể khi quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt). Trong dự án cũng không bao gồm công trình nhà ở, văn phòng, nahf cho thuê hoặc các loại hình kinh doanh bất động sản khác. Nhà đầu tư được khai thác kinh doanh, được thuê đất theo hình thức có trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư ứng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án, khoản chi phí này được khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp, trường hợp vượt thì số vượt được tính vào tổng vốn đầu tư của dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đề nghị nhà đầu tư (có ngành nghề kinh doanh phù hợp và có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án) mong muốn tham gia thực hiện các dự án gửi hồ sơ đăng ký về Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết.