Hà Nội đề xuất xây dựng cầu Đuống mới theo hình thức PPP
Theo đó, để chuẩn bị cho việc nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, Bộ GTVT đề xuất hai phương án.
Phương án 1 được đưa ra là xây dựng cầu đường sắt mới tại vị trí cầu tương ứng với nghiên cứu của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi).
Với phương án này, cầu mới vừa có tĩnh không bảo đảm thông thuyền, vừa phù hợp với thiết kế của tuyến đường sắt trong tương lai, cùng với đó sẽ xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100 m.
Phương án 2 là cải tạo cầu Đuống hiện có để nâng tĩnh không bảo đảm khả năng thông thuyền (theo tiêu chuẩn cao 9,5 m, rộng 50 m) đồng thời xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100 m.
Theo Sở GTVT Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cầu Đuống mới (cầu Đuống 2) và đường nối đầu cầu đến địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc danh mục công trình trọng điểm của TP Hà Nội, xác định đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Qui mô đầu tư dự án là hơn 1.200 tỉ đồng.Trong cả hai phương án mà Bộ GTVT đề xuất xem xét đều đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương bố trí nguồn lực để thực hiện đồng thời dự án xây dựng cầu Đuống mới.
Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị TP giao Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội nghiên cứu, tham mưu phương án đầu tư xây dựng cầu Đuống mới trong giai đoạn 2021 - 2025.
Việc triển khai dự án cầu Đuống mới từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo qui hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bảo đảm đồng bộ với dự án cải tạo, nâng tĩnh không cầu Đuống hiện tại do Bộ GTVT đề xuất.
Cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902, đi chung đường sắt và đường bộ, có khổ thông thuyền nhỏ (tĩnh không khoảng 2,8 m, bề rộng thông thuyền khoảng 26 m), gây khó khăn cho phương tiện thủy qua lại.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của kết cấu trụ cầu, dòng chảy tại đây khá phức tạp, gây nguy hiểm cho phương tiện thủy trong mùa bão lũ.
Chính vì vây, việc xây dựng nâng cấp cầu để đảm bảo hoạt động của tuyến giao thông đường thủy trên sông Đuống theo tiêu chuẩn cấp 2 là cần thiết.
Hiện cầu Đuống cũ vẫn đang giới hạn tải trọng, điều này gây hạn chế cho phương tiện các tỉnh Đông Bắc Thủ đô cũng như gây áp lực lên cầu Thanh Trì.
Việc cải tạo cầu Đuống cũ và xây dựng cầu Đuống mới sẽ góp phần gỡ "nút thắt" trên tuyến hành lang vận tải thủy trọng yếu và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội theo qui hoạch.