Hà Nội: Bẻ lái chính sách, nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ đồng
Được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư dự án bất động sản với diện tích 12 nghìn m2 tại đường Lê Văn Lương (Hà Nội), lẽ ra Cty cổ phần đầu tư và thương mại LOUIS (Cty LOUIS) phải tự thỏa thuận với người có đất, tự lo sắp xếp quỹ nhà, đất tái định cư cho người bị thu hồi đất. Nhưng UBND quận Cầu Giấy lại đứng ra giải phóng mặt bằng thay doanh nghiệp, thậm chí lấy cả quỹ đất vàng của nhà nước để phục vụ tái định cư cho dự án thương mại của Cty LOUIS.
Doanh nghiệp được “tặng” 4.000 m2 đất giữa Thủ đô?
Nhằm chỉnh trang hai bên đường Lê Văn Lương thêm đẹp và văn minh, ngày 10/6/2016 UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 3011/QĐ-UBND “phê duyệt quy hoạch chi tiết, cải tạo chỉnh trang hai bên đường Lê Văn Lương”. Vào thời điểm này, Cty LOUIS cùng nhiều nhà đầu tư khác đề xuất được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở chung cư kết hợp trung tâm thương mại để bán kiếm lời.
Hơn 4.000 m2 đất “vàng” tại quận Nam Từ Liêm được dành để phục vụ tái định cư cho dự án thương mại của Cty LOUIS
Đến ngày 11/8/2016, UBND thành phố Hà Nội có QĐ số 4376/QD-UBND chấp thuận nhà đầu tư Cty LOUIS làm chủ đầu tư dự án “công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” tại ô đất ký hiệu N14, N15 đường Lê Văn Lương. Theo giới đầu tư bất động sản thì vị trí lô đất này là vị trí “đất vàng” để xây trung tâm thương mại, hoặc xây chung cư cao cấp bán với giá cao.
Theo đó, Cty LOUIS sẽ xây dựng khối đế cao 5 tầng, 5 tòa tháp cao từ 21 đến 32 tầng với tổng số 378 căn hộ chung cư cao cấp trên diện tích 12 nghìn m2 đất. Người đại diện theo pháp luật của Cty LOUIS là ông Lê Văn Vọng. Đáng lưu ý, dù được giao làm chủ đầu tư một dự án lớn nhưng qua xác minh thì Cty LOUIS mới được thành lập tháng 2/2016, trên trang web của Cty chưa thể hiện bất cứ hoạt động kinh doanh nào.
Điều bất hợp lý ở đây là, theo QĐ chấp thuận chủ trương đầu tư thì UBND thành phố Hà Nội cho phép Cty LOUIS thực hiện dự án “công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” là để Cty xây nhà chung cư bán kiếm lời nhưng thay vì việc doanh nghiệp phải tự lo thu xếp đất cho dự án, tự thỏa thuận với các hộ dân có đất, tự bố trí tái định cư với người mất đất (theo Luật Đất đai 2013) thì UBND quận Cầu Giấy lại ban hành một loạt văn bản, thông báo thu hồi đất gửi đến các hộ dân y như đang GPMB cho dự án công ích của Nhà nước?!
Quá trình xác minh vụ việc PV phát hiện Cty LOUIS còn được sắp xếp hơn 4 nghìn m2 đất vàng tại quận Nam Từ Liêm để tái định cư cho các hộ dân nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án của Cty LOUIS?! Được biết, hơn 4 nghìn m2 đất nêu trên là quỹ đất tái định cư mà UBND TP Hà Nội dành cho các dự án phúc lợi công cộng. Không hiểu vì sao hiện nay quỹ đất vàng này lại có nguy cơ lọt vào tay Cty LOUIS?
Bóp méo chính sách
Ngày 7/12/2016, ông Bùi Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký văn bản trả lời kiến nghị của người dân lại nại ra rằng dự án này có từ năm 2003, thuộc “dự án chuyển tiếp” từ Handinco và áp dụng điều 34 Nghị định 47/NĐ-CP ngày 15/5/2014! Từ cách trả lời đó mà UBND quận Cầu Giấy xin đất tái định cư “tặng” cho Cty LOUIS, đồng thời “thay mặt” Cty LOUIS đi GPMB?! Nếu việc nhập nhèm dự án công ích với dự án thương mại này được thực hiện trót lọt như kịch bản nêu trên thì Cty LOUIS nghiễm nhiên được hưởng lợi nhiều trăm tỷ đồng do không phải bỏ tiền mua đất tái định cư cho những hộ dân nhường đất cho dự án.
Vậy cái gọi là dự án “công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” có phải là “dự án chuyển tiếp” và có được áp dụng Nghị định 47 như cách trả lời của ông Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy không?
Thực tế chỉ ra rằng, ngay trong mục b, khoản 4, điều 34 - Nghị định 47 đã chỉ rõ “Đối với dự án không đủ điều kiện quy định tại Điểm a Khoản này thì ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ra quyết định hủy quyết định thu hồi đất và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án”. Như vậy, theo Nghị định 47 các dự án không đáp ứng các điều kiện của điều 61, 62 Luật Đất đai thì phải dừng dự án. Đối chiếu, dự án “công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” với điều 61, 62 của Luật Đất đai 2013 thì dự án của Cty LOUIS không nằm trong bất cứ điều kiện, tiêu chí nào mà 2 điều Luật quy định.
LS Trịnh Xuân Hải - Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình cho rằng: nếu UBND quận Cầu Giấy xác định dự án “công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” thuộc danh mục “chỉnh trang đô thị” trong điều 62 Luật Đất đai 2013 là hoàn toàn sai trái vì cụm từ “chỉnh trang đô thị” được giải nghĩa trong điểm c, khoản 9, điều 2, Nghị định 11/2013/NĐ-CP như sau: Dự án cải tạo chỉnh trang khu đô thị là dự án cải tạo, nâng cấp mặt ngoài hoặc kết cấu các công trình trong khu vực đô thị hiện hữu nhưng không làm thay đổi quá 10% các chỉ tiêu sử dụng đất của khu vực.
Trong khi đó, dự án “công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” là dự án xây mới không phải là “cải tạo, nâng cấp” và cũng không nằm trong “khu đô thị hiện hữu” .
Trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy trong vụ việc này là không báo cáo trung thực và đề xuất thành phố hủy bỏ dự án này theo luật định mà lại cố tình “lái” dự án của Cty LOUIS thành dự án công ích để chủ đầu tư “bỏ túi” được nhiều trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước?
Đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương kiểm tra sự việc nêu trên, tránh việc lợi dụng chủ trương của thành phố để doanh nghiệp thu lợi trái quy định pháp luật.
Báo Nông nghiệp VN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.