|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hà Giang: Trên 5.600 ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ

03:29 | 23/07/2020
Chia sẻ
Tính đến thời điểm tháng 6, tổng diện tích chè của Hà Giang đạt trên 22.600 ha, diện tích cho thu hoạch đạt gần 19.100 ha và sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 73.150 tấn; trong đó có 5.616 ha chè đạt tiêu chuẩn chè hữu cơ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang, tính đến thời điểm tháng 6, riêng diện tích chè Shan tuyết của Hà Giang đạt khoảng 17.065 ha (chiếm 75,5% tổng diện tích chè của tỉnh), trong đó có trên 15.700 ha cho thu hoạch. 

Trên địa bàn Hà Giang, cây chè được trồng tập trung tại 5 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. 

Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Giang còn tồn tại khá nhiều diện tích chè cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm, nằm độ độ cao từ 700 - 1200m so với mực nước biển. 

Các diện tích chè cổ thụ tập trung chủ yếu trên địa bàn của các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Bắc Quang, Đồng Văn… với tổng diện tích đạt trên 16.000 ha. 

Do chè cổ thụ sinh trưởng hoang dã trong tự nhiên, không có sự tác động của con người, nên mặc dù năng suất thấp (chỉ đạt bình quân từ 13 – 15 tạ búp tươi/ha) nhưng lại cho chất lượng cao và đây chính là các sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ đặc trưng của Hà Giang. 

Trong nhiều năm qua, chè Shan tuyết hữu cơ của Hà Giang đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận và được xuất khẩu đi trên 20 quốc gia trên thế giới.

Do đặc thù về tiểu vùng thời tiết khí hậu và nông hóa thổ nhưỡng đã tạo cho Hà Giang một số thương hiệu chè Shan cổ thụ đặc sản nổi tiếng như: Chè Shan tuyết cổ thụ Lũng Phìn (huyện Đồng Văn), chè Shan Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì), chè Shan tuyết Cao Bồ (huyện Vị Xuyên)…. 

Bên cạnh đó, người dân ở các huyện trồng chè của Hà Giang đã có nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng trọt, chăm sóc, thu hái và chế biến các sản phẩm chè.

Trong những năm qua và trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Giang luôn xác định chè là cây trồng mũi nhọn; trong đó, chủ yếu là chè Shan tuyết hữu cơ. 

Vì vậy, tỉnh đã tập trung đầu tư khoa học thuật trong quá trình trồng mới, thâm canh, thu hái, chế biến bằng nhiều cơ chế chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất cho người dân và các thành phần kinh tế vay vốn trồng mới, thâm canh, cải tạo các vườn chè già cỗi; hỗ trợ các cơ sở chế biến chè, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm…

Bên cạnh đó, trong tháng 12/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) đã quyết định cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Hà Giang cho sản phẩm chè Shan tuyết.

Trong đó, phạm vi bảo hộ của Chỉ dẫn địa lý gồm địa bàn 44 xã thuộc 6 huyện, thành phố có sản phẩm chè Shan tuyết. 

Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý đã góp phần giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, bảo hộ quyền lợi cho người trồng chè Hà Giang cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm tham gia thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

H.Mĩ