|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GS.TS Trần Thọ Đạt: Nền kinh tế tăng trưởng thấp đi vì khu vực kinh tế ngầm

08:20 | 25/04/2019
Chia sẻ
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, khu vực kinh tế ngầm ở Việt Nam có quy mô khá lớn, ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế và khiến nền kinh tế bị tăng trưởng thấp đi.
GS.TS Trần Thọ Đạt: Nền kinh tế tăng trưởng thấp đi vì khu vực kinh tế ngầm - Ảnh 1.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Báo điện tử Tri thức trẻ phối hợp với Kênh thông tin kinh tế - tài chính CafeF vừa tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến về chủ đề "Đi tìm động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm".

Tại buổi giao lưu, trả lời câu hỏi về vấn đề thống kê kinh tế ngầm và việc tính toán và đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng có thực sự có lợi cho nền kinh tế hay không, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, Khu vực kinh tế ngầm ở Việt Nam có quy mô khá lớn. Theo một nghiên cứu của đại học FullBright có thể lên đến 25-30% GDP. Con số này cũng khá phù hợp với ước tính của EY, tổng quy mô kinh tế ngầm của Việt Nam vào khoảng 34% năm 2010-2011 và 27% vào năm 2016.

GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết thêm, theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2020, việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát sẽ được tổng cục thống kê chính thức thực hiện và gồm 5 nhóm hoạt động kinh tế chưa được quan sát bao gồm: kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế tự sản tự tiêu hộ gia đình và khu vực kinh tế bị bỏ sót trong quá trình thu thập dữ liệu thống kê.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của GS.TS Trần Thọ Đạt, kinh tế ngầm chỉ là một phần của kinh tế chưa được quan sát. Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ và toàn diện hơn phạm vi quy mô của nền kinh tế.

"Xét một cách tổng thể, kinh tế ngầm có nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế. Ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế ngầm gồm cơ sở thuế bị giảm, chất lượng sản phẩm thấp, mức độ cạnh tranh trong nền kinh tế bị biến dạng. Do vậy kinh tế bị tăng trưởng thấp đi", GS.TS Trần Thọ Đạt nói.

Vị giáo sư này cũng phân tích thêm, mặc dù kinh tế ngầm có thể có một số lợi thế nhưng những lợi thế này không tương xứng với rất nhiều hệ quả tiêu cực do hoạt động không kê khai tạo ra.

Tuy nhiên, việc tính đúng, tính đủ và không tính trùng khu vực kinh tế này là một việc không dễ. Vì muốn thống kê được khách quan, chặt chẽ, trung thực thì phải có các quy định thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

Trước đó, tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.

Nội dung của Đề án gồm nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế; xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế phản ánh phạm vi, quy mô của khu vực kinh tế này; phương pháp đo lường.

Trước mắt, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành đo lường thử nghiệm năm 2019, đo lường chính thức năm 2020 và các năm tiếp theo. Việc xây dựng phương pháp thống kê cụ thể cũng như danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát đang được cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Thu Hà

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.