|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GRDP năm 2016 của Hà Nội tăng 8,03%

11:14 | 05/12/2016
Chia sẻ
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2016 đã đạt mức tăng cao nhất trong 6 năm gần đây.
grdp nam 2016 cua ha noi tang 803
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản (ảnh: Thanh Hải)

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Doãn Toản Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi nói về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế của TP trong năm 2016 tại Kỳ họp thứ ba HĐND TP khóa XV.

Theo Phó Chủ tịch, trong năm 2016, TP đã triển khai kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ về điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; thực hiện tốt chương trình bình ổn giá để kiểm soát lạm phát , ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 ước tăng 3,01-3,07%.

Các giải pháp về thu ngân sách Nhà nước (NSNN) được các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, khẩn trương. Điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Đã quyết liệt rà soát, cơ cấu và điều chỉnh lại các khoản chi NSNN theo hướng tiết kiệm hiệu quả. Đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mua sắn tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đổi mới mạnh mẽ, cụ thể phương thức hoạt động một số đơn vị cung cấp dịch vụ công ích trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, thủy lợi ...

Thu NSNN trên địa bàn ước đạt 173.846 tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán HĐND TP giao, tăng 16,2%. Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 16.100 tỷ, đạt 107,4% dự toán, tăng 2,7%; từ dầu thô là 2.300 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; từ nội địa là 155.446 tỷ đồng, đạt 102,2% dự toán, tăng 19,5% so với năm 2015, ông Nguyễn Doãn Toản cho biết.

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 74.479 tỷ đồng, bằng 101% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 33.499 tỷ đồng, đạt 107,7% dự toán; các khoản chi thường xuyên là 40.968 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.

Nhiều chỉ tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh đạt kết quả cao hơn chỉ tiêu TƯ giao như đăng ký kinh doanh qua mạng, kê khai nộp thuế điện tử, giao dịch điện tử trong thủ tục bảo hiểm xã hội, thời gian tiếp cận điện năng, quy hoạch, liên thông trong giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Chỉ số PCI xếp thứ 24/63, tăng 2 bậc so với năm 2015, xếp hạng cao nhất kể từ ngày công bố Chỉ số PCI. TP đã thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Vốn đăng ký của các dự án ngoài NSNN đạt 423,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 163 dự án trong nước với 161,246 nghìn tỷ đồng; 445 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,8 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1,2 tỷ USD, doanh nghiệp thành lập mới đăng ký với số vốn 203,76 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với 2015. Tổng vốn đầu xã hội ước đạt 277.950 tỷ đồng, tăng 10%. Giới thiệu 52 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP và 43 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng mức đầu tư khoảng 711 nghìn tỷ đồng.

Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) ước tăng 15,68%, dư nợ tín dụng ước tăng 19,5%. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp dự kiến giải ngân tăng 3,69 lần so với 2015. Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt được hưởng lãi suất vay ưu đãi 4-4,5%/năm. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao với 22.922 doanh nghiệp mới, tăng 19% (vốn đăng ký 203.765 tỷ đồng, tăng 42%). Chuyển doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần đối với 9 doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu 7 doanh nghiệp. Ban hành Kế hoạch sắp xếp, cổ phần, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, đến nay đã triển khai các bước theo quy trình cổ phần hóa đối với 2 doanh nghiệp, hoàn thành thoái vốn Nhà nước tại 7 doanh nghiệp với tổng giá trị là 75,3 tỷ đồng.

Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm trên địa bàn 2016 ước tăng 8,03%, đạt mức tăng cao nhất trong 6 năm gần đây. Giá trị gia tăng các ngành công nghiệp - xây dựng ước tăng 8,8%, ngành dịch vụ ước tăng 8,1%, ngành nông nghiệp ước tăng 2,21%, ông Nguyễn Doãn Toản nói.

Bước sang năm 2017, Phó Chủ tịch TP cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ tiêu tốc độ tăng GRDP đạt 8,5-9%, GRDP bình quân đầu người đạt 86-88 triệu đồng, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển đạt 11-12%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 4-5%, giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước là 0,1%.

Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, TP sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là phát triển kinh tế, bao gồm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI. Tăng cường xúc tiến đầu tư, các giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Triển khai tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và hỗ trợ nâng cao thương hiệu doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản.

Hà Thanh - Trần Hà

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.