Góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân
Những năm qua, hình thức đầu tư hợp tác công-tư (PPP) đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, tiến trình triển khai các dự án PPP còn chậm, quy mô còn nhỏ so với nhu cầu đầu tư phát triển, còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ để đẩy nhanh thực hiện các dự án trong thời gian tới.
Trước tình hình đó, dự án Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư đã được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo để trình Quốc hội. Trước đó, dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37.
Huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân
Theo Ban soạn thảo, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77/NĐ-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) áp dụng cho đầu tư trong nước.
Qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi để từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, hiện hoạt động PPP và nội dung lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (Nghị định 63/CP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (Nghị định 30/CP).
Tính đến tháng 1/2019, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT: xây dựng-chuyển giao và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác).
Thông qua mô hình PPP, nguồn vốn đầu tư tư nhân đã được huy động để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng.
Cả nước đã huy động được khoảng 1,6 triệu tỷ đồng thực hiện đầu tư 336 dự án PPP nêu trên, góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước.
Chính yếu tố này đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.
Bên cạnh các kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thực tiễn cho thấy, hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, như vậy là tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo. Đã xảy ra bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí. Cơ chế giám sát, đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư cũng như đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa chặt chẽ...
Nâng cao vai trò của Nhà nước
Tán thành với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, song, nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội băn khoăn về vai trò của Nhà nước trong triển khai đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải, quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư không chỉ căn cứ vào con số. Bởi nếu số vốn đầu tư công lên đến 10.000 tỷ đồng thì quy mô một dự án PPP có thể lên đến hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, không chỉ liên quan đến định mức vốn, việc Nhà nước tham gia vào dự án PPP nào cũng đều phải là những dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, với danh mục cụ thể được Quốc hội quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng cho rằng, dự án Luật cần có những nội dung nhằm tạo sự cân bằng giữa mục tiêu của Nhà nước và doanh nghiệp. Theo đó, trên thực tế, đầu tư công thường lấy mục tiêu kinh tế-xã hội, lấy những tiêu chuẩn của Nhà nước để quyết định chủ trương.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tham gia đầu tư có thể chỉ nhìn dưới khía cạnh kinh tế. Để dung hòa được hai khía cạnh này, cần nghiên cứu mức độ tham gia của Nhà nước, khuyến khích triển khai nhưng không nên để đầu tư tràn lan, làm loãng đầu tư công.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng chỉ ra thực tế, trong hợp tác PPP thời gian qua đã có trường hợp sau một thời gian, phần vốn của doanh nghiệp tăng lên, phần vốn của Nhà nước thấp xuống và mất quyền chi phối trong các công trình này.
Thậm chí, có trường hợp phần đất là tài sản Nhà nước đưa vào ban đầu đã phải nhượng lại doanh nghiệp nước ngoài vì kinh doanh thua lỗ. Ông Phan Thanh Bình cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo phải báo cáo cụ thể về hướng xử lý với các trường hợp này trong dự án Luật để tránh không mất quyền chi phối đối với những hợp tác công-tư.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, có sự chồng chéo giữa các luật với dự án Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư.
Theo đó, để bảo đảm tính đặc thù đối với dự án PPP, tại khoản 2, Điều 3, dự thảo Luật quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này.
Tuy nhiên, nếu áp dụng theo nguyên tắc này thì dự án Luật PPP sẽ đụng chạm tới rất nhiều luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường...
Từ thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu dự án luật “đụng chạm” tới nhiều luật, gây xáo trộn hoặc ách tắc trong thực thi pháp luật thì phải cân nhắc.
Trước những vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải làm rõ, tổng kết sâu sắc hơn nữa về hơn 20 năm thực hiện các dự án theo hình thức PPP, trong đó, phải xác định rõ vai trò, sự tham gia của Nhà nước và xã hội.