Góc nhìn chuyên gia: NĐT cá nhân tích cực tham gia sân chơi phái sinh làm thị trường rung lắc nhiều hơn
Trong phiên giao dịch hôm nay, lực bán xuất hiện tại đầu phiên và kéo dài trong xuyên suốt phiên giao dịch khiến VN30 đóng cửa tại ngưỡng thấp nhất trong ngày. Sau phiên ATO, áp lực cung xuất hiện với nhóm vốn hóa lớn và nhóm bất động sản khi nhiều cổ phiếu vẫn chưa có thanh khoản.
Sang tới phiên chiều, lực bán lan tỏa sang nhóm ngân hàng khiến cho chỉ số tiếp tục giảm điểm. VN30 lui về ngưỡng 956,89 khi kết thúc phiên giao dịch, giảm 14,31 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt 3.546 tỷ đồng.
Quan sát từ cuối tháng 10 đến nay, thanh khoản của hợp đồng tương lai VN30F1M luôn duy trì ở mức cao với khối lượng giao dịch bình quân 1 tháng đạt hơn 475.000 đơn vị/phiên. Điều này cho thấy thị trường phái sinh là sân chơi khá sôi động khi thị trường cơ sở liên tục chịu áp lực điều chỉnh.
Chia sẻ trong chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital, ông Trần Việt Hưng, Nhà sáng lập và Giám đốc Học vụ Trung tâm 7AStar Tutoring cho rằng gần đây xuất hiện câu chuyện nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ do quá khó khăn trong việc kiếm lời ở thị trường cơ sở nên đã chuyển dịch sang thị trường phái sinh. Điều này cũng thay đổi cấu trúc của thị trường phái sinh, cụ thế là khiến độ rung lắc của thị trường càng ngày càng tăng lên.
Khi mới bắt đầu học đánh phái sinh, các nhà đầu tư F0 thường sẽ học Long là như thế nào. Khi trở thành F1 hiểu biết hơn thì bắt đầu học đến lệnh Short. Nhưng đối với nhà đầu tư Fn, lại học bài về “short squeeze”. Cũng giống như “short”, nhưng ở chiều ngược lại, “short squeeze” thể hiện rất nhanh và vũ bão.
Có thể hiểu “short squeeze” là một tình huống trong đó giá cổ phiếu (có nhiều vị thế bán) tăng lên rất mạnh, buộc nhiều người bán khống phải kết thúc vị thế bán của mình để cắt lỗ, và càng tạo thêm sức ép tăng giá cho cổ phiếu đó.
“Như phiên đáo hạn tuần vừa qua, mọi người có thể thấy câu chuyện “short squeeze” trong thị trường bây giờ có thể mạnh mẽ như thế nào”, ông Hưng cho hay.
Theo quan điểm của ông Hưng, thị trường chứng khoán thường biến động rất mạnh trong các ngày đáo hạn phái sinh và không nhất thiết phải đi theo một chiều mà có thể lên xuống cả hai chiều. Do đó, trước khi tham gia nhà đầu tư cần phải chuẩn bị trước tinh thần trước cho các nhịp rung lắc và tìm kiếm các điểm phù hợp để thực hiện Mua (Long).
Bên cạnh đó, trên thị trường phái sinh, còn có hoạt động hedging, khi các nhà đầu tư có cổ phiếu thì họ sẽ phải Short phái sinh, đến ngày đáo hạn sẽ có một hoạt động là chuyển dịch hợp đồng, từ hợp đồng đáo hạn vào ngày mai sang hợp đồng của tháng tiếp theo.
Chuyên gia lấy ví dụ về sự chuyển dịch từ mã hợp đồng VN30F2211 sang mã hợp đồng VN30F2212. Hoạt động hedging sẽ tạo ra xu hướng đẩy mã 2211 đi lên và mã 2212 đi xuống, bởi trong trạng thái này thì các nhà đầu tư đều đang hedging, sau đó sẽ làm giãn khoảng cách giữa 2 mã này.
Do đó với các nhà đầu tư muốn Mua (Long) thì có thể tập trung Long mã 2211 đến khi đáo hạn, phiên ATC sẽ dồn lực về Long và Short để chuyển dịch, diễn biến này sẽ kéo hợp đồng 2212 đi xuống dưới còn 2211 thì sẽ đáo hạn bằng VN30 future.
Lúc đó nhà đầu tư có thể chuyển dịch tiếp và chuyển xuống để Long tiếp hợp đồng 2212. Như vậy, nhà đầu tư có thể hoàn toàn mua được rẻ hơn so với thị trường cơ sở, điển hình như tháng trước chênh lệch khoảng 25 điểm, tương đương 2 - 3% và là một con số khá lớn.
Theo phân tích của Chứng khoán DNSE, biên độ dao động chỉ số phái sinh đã tăng lên rất mạnh mẽ đi kèm với mức gap rất lớn so với chỉ số cơ sở được tạo ra thể hiện tính bất định và thiếu đồng nhất cao về xu hướng thị trường cơ sở.
Diễn biến này kéo theo số hợp đồng mở liên tiếp gia tăng và dòng tiền tham phái sinh rất mạnh mẽ của nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ngắn hạn trong giai đoạn ảm đạm của thị trường cơ sở.