Gỡ áp lực tăng dân số
Đường Lê Văn Lương thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm do lượng người tham gia giao thông quá đông, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Ảnh: Nam Khánh |
Nội - ngoại thành đều tăng
Tăng dân số cơ học thể hiện rõ nhất ở địa bàn các quận, điển hình là Đống Đa - một trong 4 quận có mật độ dân số cao nhất của Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, các quy định về điều kiện nhập hộ khẩu thời gian qua không thực sự hiệu quả. "Trên địa bàn quận, người dân xây nhà cho sinh viên thuê ở nhiều nên mật độ dân số tăng cao. Tính từ ngày 1-7-2013 đến hết năm 2017, có gần 700 nghìn lượt người lưu trú và đến nay trên địa bàn quận có khoảng hơn 41 vạn dân" - ông Phan Hồng Việt cho biết.
Tăng dân số cơ học đang tạo áp lực lớn cho Thủ đô. Cụ thể, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà ở, tại khu vực nội đô mọc lên nhiều nhà cao tầng, chung cư. Đơn cử, đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm - Hà Đông) dài khoảng 6km với mặt cắt 40m, 6 làn xe, hè 2 bên - mỗi bên 10m nhưng đang có gần 40 đơn nguyên nhà cao tầng hiện hữu, chưa kể số nằm trong quy hoạch còn nhiều. Hay dọc phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) cũng có hơn 20 tòa chung cư.
Điều này dẫn tới sự thiếu đồng bộ về cảnh quan; cấu trúc đô thị trung tâm và quy hoạch đô thị bị phá vỡ; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là giao thông bị quá tải dẫn tới thường xuyên ùn tắc. Cách xa khu vực trung tâm, Hoài Đức tuy là vùng ngoại thành, song hiện có tới 65 dự án khu đô thị, khu nhà ở, khu tái định cư, nhà ở xã hội. Trong đó, có 14 dự án đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đưa vào sử dụng, khiến số lượng dân trên địa bàn tăng tới 12 nghìn người.
Do đó, Công an huyện Hoài Đức đã lập 62 điểm tiếp nhận thông báo lưu trú nhằm nắm bắt số nhân khẩu đến tạm trú, lưu trú, góp phần quản lý, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Còn tại Gia Lâm, từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực đến nay, trên địa bàn huyện tăng khoảng 8 nghìn hộ và 21 nghìn nhân khẩu, mật độ dân số khoảng 2.365 người/km2, phân bố không đều. Với tiến độ xây dựng một số khu đô thị, khu công nghiệp như hiện nay, thời gian tới tỷ lệ tăng dân số cơ học của huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Theo tính toán của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức, trong quá trình giám sát về việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô, dân số Hà Nội từ năm 2013 đến năm 2017 tăng từ 6,8 triệu dân lên hơn 7,4 triệu dân; mật độ dân số trung bình của toàn thành phố là 2.213 người/km2, phân bố không đều. Tính ra, mức tăng dân số trong 4 năm trở lại đây của Hà Nội gần bằng dân số của một tỉnh trung bình.
Ùn tắc giao thông, biểu hiện rõ nhất của tăng dân số cơ học quá nhanh. |
Giảm áp lực bằng cách nào?
Điều đáng lưu ý là, tại Khoản 1, Điều 19, Luật Thủ đô quy định, không xây dựng mới khu công nghiệp, nhà máy trong nội đô, nhưng lại không có quy định nào về việc không xây dựng nhà cao tầng. Mặt khác, Khoản 4, Điều 19 mới đặt ra điều kiện được đăng ký hộ khẩu của khu vực nội thành, còn việc đăng ký tạm trú vẫn được thực hiện theo Luật Cư trú mà không có bất cứ điều kiện ràng buộc nào.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều nhà cao tầng mọc lên. Trong bối cảnh dân số cơ học tiếp tục tăng, việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh ra ngoài khu vực nội đô cũ chưa bảo đảm tiến độ, quỹ đất không thu hồi được. Việc di dân từ nội đô ra ngoại thành gần như không đạt yêu cầu, khiến không gian đô thị càng thêm ngột ngạt.
Về vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết 07/2013/NQ-HĐND, ngày 12-7-2013 về "Ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành" nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Nhưng khó khăn ở chỗ, việc đầu tư dự án phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, còn việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng áp dụng theo Luật Đất đai năm 2013, nên việc triển khai Nghị quyết 07/2013/NQ-HĐND còn hạn chế. Trên thực tế, không chỉ ở khu đô thị chưa có hạ tầng phục vụ kèm theo, mà ở khu đô thị có hạ tầng phục vụ tốt, thậm chí gần đường cao tốc cũng chưa thu hút người dân từ nội thành chuyển tới.
Vì thế, theo ông Nguyễn Hoài Nam, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là hạn chế, thậm chí không cho xây dựng thêm chung cư cao tầng trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cũng chỉ rõ vướng mắc là ở quy hoạch. Luật Thủ đô quy định, quy hoạch Thủ đô phải tuân thủ theo các luật về quy hoạch. Do đó, HĐND và UBND thành phố hầu như không được giao quyền nào.
Trước thực tế trên, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho rằng, cần sự chung tay của các bộ, ngành trong việc hoàn thiện Luật Thủ đô và các văn bản có liên quan để bảo đảm thống nhất về cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô. Bên cạnh đó, ông Ngô Anh Tuấn kiến nghị Chính phủ sớm quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô để phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch Vùng Thủ đô nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành Hà Nội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, bên cạnh việc thay đổi cơ chế, cần tìm giải pháp cho vấn đề quy hoạch nội đô, xem cách tiếp cận nhà cao tầng như thế nào cho hợp lý. Ở Nhật Bản, Singapore, mật độ nhà cao tầng ở nội đô rất lớn, nhưng các nước này có hệ thống giao thông rất tốt. "Vấn đề quan trọng nằm ở bài toán giao thông chứ không phải nhà cao tầng. Nếu có kinh phí làm xong các tuyến giao thông ngầm, nổi, thì vấn đề giao thông sẽ cơ bản được giải quyết" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn nói.