|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giới siêu giàu Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài

21:04 | 11/03/2024
Chia sẻ
Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 421 triệu USD trong năm 2023.

Savills dẫn nghiên cứu của McKinsey & Company cho hay Việt Nam được biết đến với tốc độ tăng trưởng nhanh và khả năng phục hồi cao trong nhiều thập kỷ trước những thách thức kinh tế và khủng hoảng địa chính trị toàn cầu.

Được hỗ trợ bởi nền kinh tế mạnh và thị trường vững chắc, tốc độ tăng trưởng tài chính cá nhân đã vượt xa các nước châu Á như Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia trong 10 năm qua. Tài sản tài chính cá nhân tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ đó phát sinh nhu cầu cao về quản lý tài sản, tập trung tư vấn tài chính theo nhu cầu phục vụ cho khách hàng cá nhân. 

 Bên ngoài một cửa hàng bán đồ xa xỉ tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Dự kiến đến năm 2027, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân trị giá khoảng 600 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ 11% mỗi năm từ mức cơ bản là khoàng 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.

Tỷ trọng gia sản được quản lý đồng thời được dự kiến tăng, nhưng với mức khác nhau giữa các phân khúc khách hàng - phân khúc giàu có sẽ tăng khoảng 5,5 lần vào năm 2027 và siêu giàu sẽ tăng gấp đôi trong cùng kỳ. 

Con số này tương đương với cơ hội quản lý tài sản gia sản khoảng 65 tỷ USD đến 75 tỷ USD cho các tổ chức. Dự kiến các khách hàng sẽ có tỷ trọng bằng nhau trong tổng nguồn doanh thu đối với các tài sản được quản lý. 

Thêm vào đó, nghiên cứu của Statista chỉ ra vào năm 2021, Việt Nam có khoảng 1.234 cá nhân siêu giàu và dự đoán sẽ đạt 1.551 vào năm 2026. 

Trong khi nghiên cứu mới nhất được Knight Frank công bố lại cho thấy số người siêu giàu ở Việt Nam đạt 752 người, tăng 2,4% so với năm 2022. Hãng này dự đoán đến năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 cá nhân siêu giàu, tăng 30% so với năm 2023.

Dù kết quả có sai khác về phương pháp tính toán cũng như các tiêu chuẩn, song cả hai nghiên cứu đều chỉ ra rằng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng nhanh, và là một trong 5 quốc gia có số người giàu lớn nhất khu vực.

Với số người siêu giàu lớn, nhu cầu đầu tư ra nước ngoài cũng ghi nhận ở mức cao.

Trong năm 2023, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 421 triệu USD. Trong đó, có 124 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 25 dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, lần lượt tăng hơn 66% và gần 29% so với cùng kỳ năm 2022. 

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành, bao gồm bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông, sản xuất, phân phối điện, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, các hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng. 

Có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong năm 2023, dẫn đầu là Canada (chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba,… 

Nắm trong tay khối tài sản lớn và những dự án đầu tư lớn tại nước ngoài, các cá nhân có tài sản cực cao tại Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm tới các dịch vụ và cơ hội đầu tư mới tại nước ngoài với những yêu cầu vô cùng khắt khe.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết suốt quá trình hoạt động tại thị trường Việt Nam, đơn vị này nhận được rất nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư trong nước có mong muốn mở rộng kênh đầu tư tại thị trường quốc tế.

Đức Huy