|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm rủi ro kinh doanh khoáng sản cho doanh nghiệp khi tham gia EITI

18:53 | 13/09/2016
Chia sẻ
Tham gia Sáng kiến Minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác EITI, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí không chính thức và giảm rủi ro kinh doanh.
giam rui ro kinh doanh khoang san cho doanh nghiep khi tham gia eiti
Khai thác quặng Apatit. Ảnh: Cổng thông tin Phú Yên.

Theo điều tra PCI của VCCI năm vừa qua, chi phí không chính thức của các doanh nghiệp khoáng sản rất lớn, chiếm tới 72% tổng chi phí. Các khoản chi này ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.

Số liệu này được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ tại tọa đàm về cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia Sáng kiến Minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) được tổ chức sáng 13/9 tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, khoáng sản Việt Nam gặp nhiều rủi ro hơn khi gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước phát triển có xu hướng chọn khoáng sản rõ nguồn gốc rõ ràng, tiêu chuẩn minh bạch. Khi các doanh nghiệp Việt nam không minh bạch thông tin, chúng ta chỉ có thể xuất sang một số nước như Trung Quốc, nơi chấp nhận mua kể cả khoáng sản lậu.

Ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nếu minh bạch thông tin.

Tuy vậy, sau hơn 10 năm tiếp cận EITI - sáng kiến được cho là một trong những cách quản lý hiệu quả nhất, Việt Nam vẫn chưa chính thức cam kết tham gia sáng kiến này.

Trong khi đó, theo nghiên cứu từ cách đây 5 - 6 năm, VCCI tiến hành phỏng vấn các doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân nhỏ hầu hết đều cho rằng gia nhập EITI là cần thiết. Đại diện VCCI chia sẻ: "Các doanh nghiệp đều mong muốn đóng góp thông tin sòng phẳng. Những ai làm ăn bài bản và nghiêm túc bức xúc khi không được biết về các khoản chi dùng sử dụng thuế, chi phí. Họ cảm thấy hoạt động kinh doanh không bền vững".

Bộ tiêu chuẩn của EITI yêu cầu công ty khai khoáng công bố các khoản chi, Chính phủ công bố các khoản thu. Bà Trần Thanh Thủy, đại diện Liên minh khoáng sản Việt Nam cho rằng EITI tạo cơ chế đối chiếu và so sánh hiệu quả.

Một ví dụ tiêu biểu là gần đây, có sự chênh lệch giữa số liệu thống kê khoáng sản của Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu các mặt hàng than, quặng và khoáng sản chỉ đạt vài trăm triệu USD trong khi đó phía Hải Quan Trung Quốc đưa ra con số 5 tỷ USD. Hải quan xác nhận nguyên do là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại từ cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là ở các mặt hàng là quặng sắt, quặng titan, than đá… ở các tỉnh biên giới.

Ngoài ra, ở Việt Nam, năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra 957 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp, kết quả cho thấy trên 50% giấy phép vi phạm qui định của pháp luật.

Chốt lại, các đại biểu cho rằng tham gia EITI, minh bạch các báo cáo sẽ giảm bớt được tình trạng gian lận trong khai thác ở các doanh nghiệp khoáng sản và doanh nghiệp trong lĩnh vực sẽ được hoạt động bình đẳng hơn.

Minh Tâm