|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giảm lãi suất: Nhóm ngành nào được hưởng lợi?

21:14 | 21/06/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh cao, thiếu hoặc không có đơn hàng... thì việc ngân hàng liên tục hạ lãi suất được cho là có tác động tích cực tới nhiều nhóm ngành của nền kinh tế.

Doanh nghiệp giảm được chi phí lãi vay, thúc đẩy sản xuất; trong đó, có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, giảm lãi suất có tác động trực tiếp nhất đến doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ vì đây là những doanh nghiệp có lượng vay vốn lưu động lớn.

Doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng về áp lực lãi suất cao, nhưng có lẽ vẫn chưa được hưởng lợi ngay từ câu chuyện giảm lãi suất, vì các ngân hàng thương mại vẫn áp lãi suất cao với nhóm doanh nghiệp này do có nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt với áp lực từ đáo hạn trái phiếu.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính chưa hoàn toàn hưởng lợi bởi việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, khi mặt bằng lãi suất giảm xuống thì những nhóm như ngân hàng sẽ có cơ hội, áp lực về thanh khoản sẽ giảm xuống, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng cũng được nới lỏng hơn.

Ông Minh cho rằng, Việt Nam đang có dư địa để giảm lãi suất. Rõ ràng, lạm phát của Việt Nam vẫn rất thấp, kể cả năm ngoái tăng lên, nhưng vẫn ở mức lãi suất thấp hơn trung bình của 15 năm.

Theo ông Minh, năm nay lạm phát của Việt Nam còn giảm xuống nữa, do đó vẫn còn dư địa để giảm lãi suất. Nhìn vào Mỹ vào châu Âu, nhất là châu Âu, lạm phát rất cao chính vì vậy họ không thể nới lỏng chính sách tiền tệ như Việt Nam. Bên cạnh đó, tỷ giá hạ nhiệt hơn thời gian trước cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất.

Ngoài ra, sau những cú đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ thì các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ rất “dè chừng” trong việc tăng lãi suất. Khả năng cao trong 6 tháng cuối năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không còn tăng lãi suất, thậm chí sẽ quay đầu giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trở lại.

Quý I, GDP của Việt Nam tăng trưởng thấp, nên việc giảm lãi suất cũng là để kích thích tăng trưởng nền kinh tế trở lại. Thời gian tới, tăng trưởng của Việt Nam cũng khả quan trở lại, bằng việc kích cầu, giảm lãi suất, bơm cung tiền.

Cùng đó, Việt Nam sẽ được lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại và nước này cũng đang kích cầu, do đó thị trường chứng khoán sẽ có chuyển biến tích cực hơn.

Nhận định về động thái Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam cho rằng, việc lãi sất giảm thúc ­đẩy dòng tiền sang các kênh ­đầu tư; trong ­đó bao gồm thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này nhận định, lãi suất giảm chưa tác đ­ộng nhiều tới thị trường do đ­à giảm không nhiều, thời gian chưa đủ lâu, mặt bằng lãi suất thương mại vẫn ở mức cao và thị trường giai ­đoạn này chịu áp lực từ nhiều yếu tố nằm ngoài chính sách tiền tệ, bao gồm: Khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất ­động sản, cho vay tiêu dùng, rủi ro chính trị.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam nhận định, việc giảm lãi suất đ­iều hành cần duy trì trong thời gian kéo dài, với mức đ­ộ giảm mạnh hơn thì tác ­động lên thị trường chứng khoán mới rõ ràng, ­đặc biệt trong bối cảnh có nhiều yếu tố nằm ngoài chính sách tiền tệ ­đang ảnh hưởng rất tiêu cực lên thị trường.

Nhìn chung tổng thể vĩ mô Việt Nam ­đang tương đ­ối ổn ­định và khả năng cao có thể duy trì trong phần còn lại của năm 2023. Lạm phát có xu hướng giảm dần và tỷ giá ổn đ­ịnh tạo dư ­địa rất lớn cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm thêm lãi suất đ­iều hành.

Bên cạnh ­đó, Fed ­đang bày tỏ lập trường về việc sớm kết thúc lộ trình tăng lãi suất, tiến tới giảm lãi suất trong năm 2024, sẽ tạo không gian tiền tệ lớn cho nhà ­điều hành ­­độc lập hơn trong đ­iều tiết lãi suất tiền ­đồng, theo hướng có lợi cho tăng trưởng cho thị trường chứng khoán.

Với những phân tích nói trên, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam nhận đ­ịnh, thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh – Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, ngày 17/5/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm đã mua được lượng lớn ngoại tệ, với trên 6 tỷ USD để bổ sung dự trữ ngoại hối. Đồng thời, tổ chức tín dụng hủy mua 1,74 tỷ USD từ Ngân hàng Nhà nước, qua đó đã góp phần để lại lưu thông một lượng lớn tiền đồng tương ứng.

Các giải pháp nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc tạo thanh khoản dư thừa trên thị trường, từ đó bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Dù vậy, hiện trạng vĩ mô trên thế giới vẫn duy trì các yếu tố tiêu cực như như rủi ro suy thoái kinh tế ở Mỹ, châu Âu, giảm phát và thu hẹp sản xuất ở Trung Quốc... Số liệu lạm phát vẫn ở mức cao kỷ lục ở nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, tổng cầu đã có sự cải thiện ở tiêu dùng trong nước, đầu tư công so với cùng kỳ… Tuy nhiên, khu vực sản xuất vẫn tiếp tục thu hẹp, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hồi phục yếu so với tháng trước. Đầu tư công dù có tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng tốc độ hoàn thành kế hoạch năm chưa cải thiện.

Bà Linh nhận định, mặt bằng lãi suất đã và đang tiếp tục giảm, giúp giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, đồng thời giúp cải thiện dòng tiền của nhà đầu tư nội trên thị trường chứng khoán. Trái lại, các nhà đầu tư ngắn hạn nước ngoài lo ngại về diễn biến tỷ giá bất lợi cho họ, do đó đã tăng mạnh rút vốn khỏi các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) Việt Nam.

Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình kỳ vọng, các định chế tài chính sẽ được củng cố sức mạnh thông qua việc các ngân hàng và công ty chứng khoán lớn của Việt Nam lên kế hoạch tăng vốn bán cho cổ đông chiến lược. Cùng đó là việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng (giảm tỷ lệ cho vay tối đa với người vay có liên quan, tăng giới hạn sở hữu nước ngoài cho nhà đầu tư chiến lược…).

Doanh nghiệp trong các ngành bất động sản và công nghiệp nặng có tỷ lệ nợ cao và đang chịu áp lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp thu xếp được các khoản vay từ các định chế tài chính, hoặc bán vốn và tài sản, giúp giảm áp lực lên thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, nhiều biện pháp của chính phủ giúp gỡ khó cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn… kỳ vọng gỡ nút thắt pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, tiếp cận nguồn tín dụng mới, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình Nguyễn Thị Thùy Linh nhìn nhận.

Tuy nhiên theo bà Linh, tất cả các chính sách thời gian qua vẫn cần thời gian để phát huy tác dụng lên nền kinh tế thực và phản ánh vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp.

Thực tế, việc giảm lãi suất là động thái tích cực từ phía ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp là vấn đề đáng quan tâm.

Dù đã 4 lần hạ lãi suất điều hành từ đầu năm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Tại cuộc họp báo thông tin kết quả 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng vẫn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan cả từ doanh nghiệp và ngân hàng.

Theo ông Tú, doanh nghiệp rất khó khăn, hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp giảm bớt công nhân, lao động trong khi giá nhiều mặt hàng tăng… Sức mua, sức cầu cả thế giới và trong nước cũng đang giảm. Ông Tú nhìn nhận, những điều này đã tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế của ngành ngân hàng đầy đủ và sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề hấp thụ vốn chậm bởi cả tính khách quan và chủ quan của cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Ông Tú cho biết, tính đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Con số 3,36% chưa phải là mức tăng trưởng nhanh, nhưng không phải vì thế ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng hạ chuẩn tín dụng. Tăng trưởng tín dụng vẫn đảm bảo an toàn và hiệu quả tín dụng.

Theo ông Tú, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm 2022. Lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1%/năm so với cuối năm 2022.

Văn Giáp

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.