Giám đốc WB tại Việt Nam: Việt Nam là nền kinh tế mở cửa nhất thế giới
Giám đốc WB nói về quản lý nợ công ở Việt Nam | |
Tổng giám đốc WB tái khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam | |
Giám đốc WB: 'Tăng trưởng tham vọng nhưng có thể đạt được' |
Dân Trí Xuân Mậu Tuất 2018 xin trích đăng một số nhận định, quan điểm của ông Ousmane Dione về những đánh giá trong tương lai của Việt Nam.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) |
Thưa ông, trong giai đoạn 2011-2016, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,91% nhưng đến năm 2017 ước đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,81% - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cao hơn dự báo của các tổ chức quốc tế, giới chuyên gia và cả chính phủ Việt Nam. Ông có bình luận hay ấn tượng gì về điều này?
- Việt Nam có một năm thực sự thành công!
Tôi quan sát thấy, các hoạt động kinh tế được thúc đẩy toàn diện, với sự hỗ trợ của một số yếu tố tích cực cả trong và ngoài nước.
Tăng trưởng GDP toàn cầu đạt vượt mức dự tính, khi hoạt động thương mại phục hồi và tình hình tài chính thuận lợi. Những yếu tố này chắc chắn đã giúp sức cho nền kinh tế Việt Nam – một nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới có được thành quả tốt hơn kỳ vọng.
Đặc biệt, tăng trưởng nhanh còn đi kèm với sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì trong 6 năm liên tiếp, với mức lạm phát duy trì dưới 4%, tỷ giá được duy trì tương đối ổn định và vị thế quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể tự thỏa mãn với những thành quả phát triển tích cực này. Vì vẫn còn những nguy cơ hiển hiện, gồm cả nguy cơ trong nước lẫn quốc tế, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng cả trong năm nay lẫn trong trung hạn.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã cho biết quan điểm về vấn đề ‘bẫy thu nhập trung bình’, một trong nguy cơ lớn đối với Việt Nam. Ông có gợi ý gì để Việt Nam đối phó với nguy cơ này?
- Có thể nói, dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan trong năm 2017, nhưng vẫn còn một số trở ngại lớn mà Việt Nam cần phải vượt qua để duy trì thành quả kinh tế và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Để làm được Việt Nam phải tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, xây dựng cơ chế thị trường. Nhà nước phải tạo điều kiện để cho phép kinh tế tư nhân phát triển, như tăng cường cải cách trong quản lý đất đai, cải tổ DNNN, cải cách thể chế kinh tế, cải cách ngành ngân hàng...
Hoàn thiện, hiện đại hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả của các thể chế nhà nước sẽ góp phần giảm nhẹ chi phí trong môi trường kinh doanh.
Việt Nam cần phải có hệ thống hạ tầng chất lượng cao, tăng trưởng nhanh đang tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng. Nhu cầu về điện năng dự báo sẽ tăng 7-10%/năm. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển tăng khoảng 12%/năm.
Chính vì thế, Việt Nam cần tìm giải pháp đáp ứng được những nhu cầu này trong khuôn khổ nguồn tài chính hiện có để tránh rơi vào trường hợp ‘nút cổ chai’ về cơ sở hạ tầng – tức là chú trọng hơn vào nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời tăng cường và khai thác nguồn vốn tư nhân cho phù hợp.
Một số dự án quan trọng tầm quốc gia, như các dự án sản xuất điện năng (nhất là sản xuất điện tái tạo), xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam, đường sắt quốc gia hay Sân bay Long Thành tại khu vực TPHCM cũng sẽ được hưởng lợi nếu có cơ chế đầu tư PPP phù hợp.
Sau nữa, đó là vấn đề nâng cao trình độ và xây dựng nguồn vốn con người theo kịp thế kỷ XXI. Đây là yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị và đối phó với những thách thức mới đi kèm với sự ra đời của các công nghệ mới và “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng nền tảng vững chắc và xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học, hướng nghiệp chất lượng cao để bảo đảm có được một lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu đang có sự chuyển biến nhanh chóng.
Ông có ý kiến gì về những chuyển biến cải cách gần đây về thể chế kinh tế cũng như các cải thiện về môi trường kinh doanh ở Việt Nam?
- Xây dựng Chính phủ kiến tạo là đề ra định hướng đúng để cải cách cho Việt Nam. Trong những năm qua rõ ràng đã có một số tiến bộ nhưng tôi cho rằng có thể Việt Nam vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề ra và chúng ta còn có thể làm được tốt hơn.
Tình hình kinh tế tích cực hiện nay là điều kiện tốt để tăng cường, đẩy mạnh những biện pháp cải cách chủ yếu. Ở đây, tôi xin nêu ra 3 lĩnh vực chính về cải cách cơ cấu sau.
Thứ nhất, cải cách ngành ngân hàng cần tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng Nghị quyết 42 và Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi mới được ban hành. Vấn đề nợ xấu cần tiếp tục được xử lý và cần tăng cường dự phòng tài chính trong một số trường hợp.
Cải cách hệ thống ngân hàng là yêu cầu quan trọng để loại bỏ nguy cơ bất ổn, nhưng cũng là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả trong nền kinh tế.
Thứ hai, trong cải cách khu vực DNNN đã có một số tiến bộ và cần phải duy trì bằng cách tiếp tục thực hiện chương trình cổ phần hóa một cách có hiệu lực, chất lượng, cũng như cần tăng cường công tác điều hành, quản trị doanh nghiệp đối với các DNNN chưa cổ phần hóa.
Thứ ba, cải cách luật pháp, quy chế vẫn là một yếu tố quan trọng. Đây không chỉ là cải cách về luật pháp mà còn cần các biện pháp nâng cao hiệu quả thực thi, triển khai luật định.
Theo ông, kinh tế Việt Nam sẽ có những cơ hội mới nào nếu Chính phủ tiếp tục cải cách đúng hướng?
- Các chương trình cải cách của nhà nước đang đi đúng hướng, nếu thực hiện theo trình tự hợp lý, hiệu quả thì sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam.
Cải cách sẽ giúp Việt Nam củng cố, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô cũng như khả năng thích ứng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động.
Các chương trình cải cách là điều kiện quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng về dài hạn. Tôi mong Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình hội nhập quốc tế, không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt trình độ, chuyển giao, lan tỏa công nghệ, cũng như các cải thiện về trình độ quản lý.
Tôi mong Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội này để thực hiện các mục tiêu lớn đã đề ra trong báo cáo Việt Nam 2035, để thực sự trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao trong thời gian tới.
Là tổ chức luôn đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển, dự báo sớm thách thức đặt ra, ông có ý kiến gì về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018?
- Triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2018 theo chúng tôi là khả quan. Nếu không có biến động lớn thì chúng tôi dự kiến đà tăng trưởng kinh tế cao sẽ được duy trì ít nhất ở mức 6,5%, chủ yếu nhờ tăng sức cầu trong nước và lĩnh vực sản xuất hướng đến xuất khẩu.
Triển vọng chung theo chúng tôi dù thuận lợi, nhưng nguy cơ cũng sẽ có nhiều. Tính trên toàn cầu, chúng tôi nhận thấy đang có sự bất định lớn về chính sách và dự kiến sẽ tiếp tục có sự thu hẹp về thanh khoản.
Vì thế cần tập trung vào những chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng để nâng cao sức kháng chịu của Việt Nam trước những biến động, cũng như tăng cường cải cách cơ cấu để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/