|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc Phân tích VPS: Chiến lược năm 2022 là phòng thủ, nhà đầu tư nên dùng phái sinh để bảo vệ danh mục

15:38 | 04/05/2022
Chia sẻ
Giám đốc Phân tích VPS cho rằng câu chuyện trong năm 2022 là phòng thủ để có bước tấn công tốt hơn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc các công cụ như phái sinh để phòng hộ cho danh mục của mình.

Sau phiên giảm điểm mạnh vào ngày 25/4 khi VN-Index có lúc mất hơn 80 điểm, đà bán ra có phần chững lại. Đặc biệt, sau thông báo từ Bộ Tài chính về việc đã làm việc với các cơ quan liên quan để thống nhất các giải pháp nhằm ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và chứng khoán, thị trường đã từng bước hồi phục.

Trong khi đó, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan quản lý trực tiếp thị trường đã khẳng định những động thái gần đây, bao gồm cả việc điều chỉnh khuôn khổ cơ sở pháp lý, đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra là rất cần thiết để đảm bảo thị trường đi đúng lộ trình phát triển cả về chất và lượng.

Điều chỉnh là cơ hội tốt để đón dòng tiền mới vào

Tuy nhiên, sau một thời gian thị trường biến động, nhà đầu tư băn khoăn nhiều hơn về quản trị danh mục và chiến lược đầu tư sao cho phù hợp với thời điểm hiện tại. Tại Talkshow Phố Tài Chính phát sóng tối ngày 2/5, các chuyên gia đã có những nhận định về đợt giảm điểm vừa qua.

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS, từ năm 2020 – 2021, số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh, chưa kể đến tay chơi lớn hay những đội nhóm hoạt động sôi nổi. Sang năm 2022, khi tình hình khó khăn, từ những vụ việc xử lý vi phạm tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, thị trường có tín hiệu điều chỉnh.

"Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng, dòng tiền đuối sức rút ra nhiều nhóm cổ phiếu từ bluechip đến midcap, penny bất chấp nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực. Đa số các NĐT thường quan tâm đến giá cổ phiếu và mua vào theo hiệu ứng đám đông, “shopping” nhiều mã cổ phiếu dẫn đến hành xử phi lý".

 Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Anh.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Anh cũng cho rằng tâm lý là vấn đề chủ chốt của thị trường. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như tỷ lệ sử dụng margin cao dẫn đến tình trạng call margin và bán giải chấp. Cộng với thanh khoản co lại, tốc độ rớt giá của cổ phiếu sẽ rất nhanh.

Hầu hết các thị trường trên thế giới, như Trung Quốc cách đây vài tháng hoặc Mỹ, lúc nào cũng có giai đoạn nhà đầu tư rất phấn khởi và giai đoạn dòng tiền đuối sức, thanh khoản tụt áp. Theo đó, cả những cổ phiếu cơ bản cũng bị đem ra bán mạnh. Đồng thời, những tin đồn trên thị trường cũng tạo ra khó khăn. Nhìn trung và dài hạn, đợt điều chỉnh này là tốt để đón dòng tiền mới vào.

Chiến lược năm 2022 là phòng thủ

Khi thị trường điều chỉnh, những cổ phiếu cơ bản cũng bị đem ra bán tháo khiến định giá trở nên rẻ. Tuy nhiên, để xác định thời điểm mua cổ phiếu, ông Tuấn khuyến nghị nhà đầu tư phải xác định nắm giữ cổ phiếu đó bao nhiêu lâu.

Nếu đầu tư ngắn hạn (1 – 2 tháng), thị trường còn nhiều yếu tố không chắc chắn, nhất là tháng 5 dự báo Fed tăng lãi suất 0,5%, tạo rủi ro về lãi suất. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn đang đối đầu với COVID-19, dẫn đến rất nhiều vấn đề như chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ ba, tỷ giá USD/Yên Nhật tăng rất mạnh, dẫn đến rủi ro các đồng tiền ở các nước đang phát triển cũng sẽ bị mất giá

Nhưng nếu nhìn dài hạn hơn đến cuối năm 2022, triển vọng thị trường sẽ sáng sủa hơn. Nếu Fed tăng lãi suất 4 – 7 lần, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp. Theo đó, giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng và chứng khoán vẫn đang ở mức định giá hấp dẫn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS.

Giám đốc Phân tích VPS cho rằng câu chuyện trong năm 2022 là phòng thủ để có bước tấn công tốt hơn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc các công cụ như phái sinh để phòng hộ cho danh mục của mình. Trong 4 năm trở lại đây, thị trường phái sinh ra đời và phát triển nhanh chóng. 

 

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Khánh cho biết rất nhiều tổ chức đã hạ kỳ vọng tỷ tăng trưởng. Tình hình lạm phát tăng nhanh ảnh hưởng đến doanh thu triển vọng của các doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, số liệu đầu tư công cho đến thời điểm hiện tại chưa đạt kết quả đề ra. Điểm sáng duy nhất là các ngành như thuỷ sản, xuất nhập khẩu… hưởng lợi từ hiệp định EVFTA, CPTPP… Giai đoạn giữa năm thị trường thường kém tích cực hơn không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Càng về cuối năm hoặc sang năm sau thị trường sẽ có triển vọng sáng hơn.

Bảo Ngọc

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.