|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giám đốc điều hành GBCI: Việt Nam đứng 28 thế giới về số công trình đạt chuẩn LEED

20:58 | 07/07/2023
Chia sẻ
Theo đánh giá của chuyên gia, công trình đạt chuẩn xanh không chỉ là xu hướng trong vận hành kinh doanh mà còn giữ vai trò quan trọng trong thiết kế công trình và hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 Buổi đối thoại giữa USGBC và GBCI về tiêu chuẩn LEED tại Đông Nam Á. (Ảnh: Ngọc Anh).

Tại buổi gặp gỡ giữa USGBC và GBCI (Green Business Certification Inc.) mới đây, các chuyên gia đã có những chia sẻ, nhận định về tầm quan trọng của ESG, chứng chỉ LEED trong hoạt động kinh doanh, quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng.

ESG là những tiêu chí về môi trường (Environmental), xã hội (Social) và quản trị doanh nghiệp (Governance). Những chỉ số này được tạo ra nhằm hướng các tổ chức và doanh nghiệp vượt ra ngoài phạm vi mục tiêu lợi nhuận, tham gia vào chương trình rộng lớn hơn về khí hậu, xã hội và quản trị.

Còn chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) cấp cho công trình xanh là một trong những yếu tố giúp các tổ chức, doanh nghiệp thực hành ESG dễ dàng hơn. Các tiêu chí được đề ra gồm mức độ thân thiện môi trường, tạo ra các mảng xanh trên dự án bất động sản song vẫn đảm bảo đáp ứng ngân sách chủ thầu đề ra.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam có hơn 250 dự án đạt chứng chỉ LEED và điều này dần cho thấy tầm quan trọng của yếu tố xanh trong thiết kế kiến trúc, quy hoạch dân cư và vận hành, phát triển doanh nghiệp.

Theo góc nhìn của chuyên gia, hành trình kiến tạo chuỗi các công trình xanh tại Việt Nam được khởi động khá muộn. Những dự án đầu tiên đạt chứng chỉ LEED Bạc là vào năm 2010, bao gồm nhà máy Colgate và trung tâm kho vận của Công ty YCH Protrade Distripark.

“So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam thời điểm đó chưa thực sự chú trọng các yếu tố xanh như môi trường, con người, cắt giảm và xử lý chất thải”, ông Gopalakrishnan Padmanabhan, Giám đốc điều hành GBCI Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và Trung Đông nhận định.

Cũng theo đại diện GBCI, nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong nước lẫn quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam từ lĩnh vực thương mại, quy hoạch dân cư, công nghiệp, dịch vụ lẫn chăm sóc sức khỏe,… chọn ESG làm mục tiêu vận hành trong tương lai.

“Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 28 về số công trình xanh đạt chứng chỉ LEED. Đây là một bước tiến rất xa so với thời điểm lần đầu USGBC và GBCI tiếp nhận đơn đăng ký cấp chứng chỉ vào giai đoạn 2008-2010, đồng thời mở ra cơ hội để Việt Nam tiến vào vị trí top 10”, ông Gopalakrishnan Padmanabhan chia sẻ.

Ông Gopalakrishnan Padmanabhan, Giám đốc điều hành GBCI Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Ngọc Anh).

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập GreenViet, cho rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển và gia tăng số lượng công trình xanh. Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp Việt vẫn còn gặp khó ở một số khía cạnh như chi phí, nguyên vật liệu, thiết kế và triển khai,… Các yếu tố này ảnh hưởng nhiều đến việc một công trình xanh có đạt các tiêu chí để cấp chứng chỉ LEED hay không.

Theo ông Quang, tỷ lệ công trình xanh không cao, thiếu các chứng chỉ công nhận có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định lên kinh tế - xã hội nói chung. Ngoài việc khó tạo động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp “chưa xanh” làm theo, việc thiếu hụt công trình xanh còn có thể gây khó khăn cho hành trình hiện thực hóa cam kết Net Zero 2050 mà Chính phủ đề ra.

Ở quan điểm của ông Gopalakrishnan Padmanabhan, “để hiện thực hóa mục tiêu phát thải bằng 0 - Net Zero vào năm 2050, thực hành ESG là yếu tố bắt buộc, không chỉ trong tổ chức xã hội, đô thị mà còn cả các lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, sản xuất,...”.

Ngọc Anh