'Giải thoát' nhà đất giấy tay
Khu dân cư cạnh trường Tiểu học Dương Công Khi (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) có gần 100 hộ đang sở hữu nhà bằng giấy tay diện tích căn hộ chỉ từ 22-40 m2. |
Nghị định 01/2017/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 3/3. Theo đó, các trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay trong thời gian từ ngày 1/7/2004 đến 1/1/2008 sẽ được cho phép hợp thức hóa cấp sổ đỏ.
Mừng như bắt được vàng
Sau thời gian dài tích cóp được 400 triệu đồng, anh Trần Văn Thái (SN 1980) đánh liều mua 1 căn nhà diện tích 40 m2 tại khu dân cư ấp 6, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM để thoát cảnh thuê trọ. Căn nhà này đã qua 4 đời chủ, tất cả đều chuyển nhượng bằng giấy tay và có lập vi bằng xác nhận. Giấy chủ quyền do một chủ hộ đầu hẻm giữ và người này đứng tên đến 10 căn nhà liền kề.
Anh Thái phân trần: “Với số tiền vài trăm triệu đồng thì khó mua được đất nền, nói gì có nhà để ở. Vì căn nhà giá rẻ nên tôi chấp nhận rủi ro để mua. Tuy nhiên, muốn bán nhà này cho ai phải viết giấy tay và nhờ 10 hộ gia đình chung sổ đỏ cùng nhau ký vào. Nếu tôi có sổ đỏ thì sẽ dễ dàng mua bán, thế chấp và đặc biệt mình chính thức đứng tên căn nhà”.
Cùng chung cảnh ngộ với anh Thái, gần 100 hộ dân nằm kế Trường Tiểu học Dương Công Khi (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) cũng đều mua nhà giấy tay từ một chủ đất. Các căn hộ đều có diện tích khá nhỏ.
Chị Phạm Thị Thu (SN 1984, giáo viên) cho biết do mua đất giấy tay nên chị phải xây dựng nhà không phép. Nhiều năm nay, chị luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.
Hay tin Nghị định 01 cho phép hợp thức hóa căn nhà mua bán bằng giấy tay, mấy ngày qua, chị Thu và hàng xóm đã đến Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn để hỏi thăm thủ tục đăng ký. “Tôi đã photocopy đầy đủ giấy tờ cần thiết, ngày 3/3 sẽ đi nộp và hy vọng mình sẽ có giấy chủ quyền” - chị Thu bày tỏ.
Tại chợ Liên khu 5-6 (xã Bình Hưng Hòa B, huyện Bình Chánh, TP HCM), chủ đề nhiều ngày qua được nhắc đến chính là việc làm sổ đỏ cho những căn nhà mua bán giấy tay.
Ông Lê Thanh Vinh (SN 1975, ngụ đường Liên Ấp 123, xã Bình Hưng Hòa B) hơn 5 năm trước đã mua một căn nhà tạm, giấy tờ chủ quyền là một tờ giấy tay có công chứng. “Nhiều lần nghe tin nơi này đập bỏ, nơi kia không được phép ở, tôi mất ăn mất ngủ. Nay nghe tin nhà giấy tay được cấp sổ đỏ, gia đình tôi mừng như bắt được vàng”, ông tâm sự.
TP HCM còn 30.000 trường hợp
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) TP HCM, cho biết hiện toàn TP còn trên 80.000 hồ sơ nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận vì vướng nhiều vấn đề hoặc vi phạm các quy định của pháp luật. Trong đó, hơn 30.000 hồ sơ nhà đất được mua bán và chuyển nhượng bằng giấy tay.
“Sở TN-MT TP từng kiến nghị Bộ TN-MT nhiều lần để chỉnh sửa lại vài chỗ trong Luật Đất đai. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01 tháo gỡ phần nào khó khăn này” - ông Thắng nói. Tuy nhiên, ông lo lắng khi ngày 3/3, nghị định có hiệu lực nhưng còn vướng ở một số mục, phải chờ thông tư hướng dẫn chi tiết.
Để tháo gỡ vấn đề này, ngày 20/2, Bộ TN-MT đã làm việc với UBND TP HCM nhằm lấy ý kiến các sở, ngành. Dự kiến vài ngày tới sẽ có hướng dẫn chi tiết, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai có thể căn cứ vào đó thực hiện một cách dễ dàng.
Ông Nguyễn Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM - Sở TN-MT TP, cho biết đã đề nghị các quận, huyện sớm phân loại hồ sơ. “Lâu nay, trong quá trình xử lý hồ sơ, các văn phòng đăng ký đất đai ở cấp quận, huyện đều có văn bản trả lời những trường hợp còn vướng thủ tục. Nay, chỉ cần lấy danh sách chưa cấp sổ đỏ ra và tách các hồ sơ vì lý do mua bán bằng giấy tay để thực hiện, không cần phải rà soát tổng thể hồ sơ. Tôi nghĩ chỉ trong vòng vài tháng, hồ sơ giải quyết được hết”, ông khẳng định.
Theo ông Liên, sổ đỏ của những trường hợp giấy tay giống mẫu sổ đỏ của các trường hợp bình thường. Với trường hợp tranh chấp giấy tay, diện tích căn nhà nhỏ hơn quy định và xây dựng nhà không đúng mục đích sử dụng chắc chắn sẽ không thực hiện được. Văn phòng chỉ cấp sổ đỏ cho những bộ hồ sơ vướng 1 thủ tục là nhà mua giấy tờ tay.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết sáng 3/3, quận sẽ tổ chức tập huấn để phổ cập thông tin, hướng dẫn giải quyết hồ sơ về việc cấp sổ đỏ cho những trường hợp nhà đất mua giấy tay.
Thủ tục rõ ràng, minh bạch Theo đại diện Bộ TN-MT, những vướng mắc cơ bản trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn đã được Nghị định 01 giải quyết căn bản, có tính khả thi cao. Trước đây, những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay đến trước ngày 1/7/2004 mới được cấp sổ đỏ. Phó giám đốc Sở TN-MT TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng việc hợp thức hóa giấy tay không phải mới, Luật Đất đai 2003 đã quy định. Tuy nhiên, tiến độ cấp, hợp thức hóa “sổ đỏ” diễn ra chưa nhanh và hiệu quả do còn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Nghị định 01 quy định những thủ tục liên quan đến đất đai, thời gian giải quyết hành chính rõ ràng, minh bạch và cụ thể hơn. Đa số thủ tục được rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện so với trước đây. Chẳng hạn, thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho cá nhân và tổ chức tối đa 15 ngày so với quy định cũ là 30 ngày… Theo ông Nghĩa, Nghị định 01 là một bước cởi mở về mặt hành chính cũng như thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. “Nhưng muốn nghị định này đi vào thực tiễn nhanh, hiệu quả thì thông tư của các bộ, trong đó có Bộ TN-MT, cần sớm ban hành và quy định cụ thể hơn theo thẩm quyền để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện” - ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhìn nhận. |