|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải quyết ùn tắc nông sản, Lạng Sơn cần tính đến giải pháp bền vững

08:15 | 08/05/2020
Chia sẻ
Hình ảnh hàng trăm xe tải xếp hàng chờ làm thủ tục thông quan không còn là bất thường. Đã đến lúc, DN cần tính đến bài toán xuất khẩu nông sản bền vững.

Dù có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, nhiều ngành từ Trung ương tới địa phương, tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mỗi ngày vẫn có vài trăm xe nông sản chờ làm thủ tục xuất hàng qua biên giới.

“Tôi ra đây 5-6 ngày rồi mà chưa trả được hàng. Có người ra đã 15, 16 ngày cũng trong tình trạng tương tự”, một lái xe ở Nam Định cho biết.

Hàng hóa ùn tắc tại Tân Thanh, đặc biệt là khi cả Việt Nam và Trung Quốc đều siết chặt quy trình kiểm tra, ngăn chặn dịch Covid-19 dẫn đến năng lực thông quan giảm. 

Bà Vũ Thị Nguyệt một chủ doanh nghiệp nông sản cho hay, những xe hàng này đều chờ làm thủ tục xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. 

“Đi chính ngạch không được vì quy chuẩn hàng của Việt Nam chưa chuẩn và chất lượng chưa đảm bảo nên Trung Quốc chưa chấp nhận. Nên vẫn phải chấp nhận chọn con đường duy nhất qua cửa khẩu Tân Thanh sang nước bạn”, bà Nguyệt chia sẻ.

Giải quyết ùn tắc nông sản, Lạng Sơn cần tính đến giải pháp bền vững - Ảnh 1.

Xe Container đỗ trên Quốc lộ 1A chờ phân luồng giao thông để xuất khẩu.

Cũng theo nhiều chủ hàng, dù mất nhiều thời gian và chi phí phát sinh tăng cao, nhất là đối với các loại hàng phải chạy bảo ôn nhưng họ vẫn chọn con đường xuất tiểu ngạch, bởi muốn hàng hóa xuất khẩu chính ngạch thì phải có hợp đồng mua bán ngoại thương, hàng hóa cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như phải đóng thuế đầy đủ trước khi thông quan.

Trung Quốc từ lâu đã là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam nhưng do phương thức xuất tiểu ngạch, qua trung gian nên thường bị động về giá cả và lượng tiêu thụ. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, muốn khắc phục tình trạng này, cần tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đáp ứng các yêu cầu thị trường.

“Phải đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn quá trình tái cơ cấu liên kết chuỗi trong sản xuất. Đây là điều kiện căn cốt, nếu làm được điều này thì không chỉ đi thị trường Trung Quốc mà đi bất kỳ thị trường nào cũng đi được. 

Điểm thứ hai, việc phát triển hệ sinh thái về Logistics phải nhìn nhận, đánh giá lại. Nếu chúng ta phát triển Logistics một cách khoa học, hợp lí, bài bản, căn cơ thì mới thúc đẩy các ngành kinh tế được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tiềm năng phát triển kinh tế ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn, trong đó có nhiều loại nông sản. 

Bởi vậy, nếu chúng ta không sớm xúc tiến, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo các quy chuẩn theo thông lệ chung của Quốc tế thì câu chuyện ùn tắc nông sản tại cửa khẩu, đặc biệt là tại tỉnh Lạng Sơn sẽ càng ngày càng trở nên nghiêm trọng khi nước bạn siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm với nông sản nhập khẩu, đồng thời khuyến khích xuất - nhập khẩu chính ngạch.

Hoàng Khánh