|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải quyết hàng triệu tấn than tồn kho: Không thể 'chạy theo kinh tế'?

15:50 | 21/07/2017
Chia sẻ
Bên cạnh việc chỉ đạo TKV phải hướng tới cạnh tranh lành mạnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tồn kho ngành than không chỉ là vấn đề giá, cạnh tranh theo hướng thị trường mà TKV còn khoảng 113 nghìn người lao động cùng gia đình của họ…
giai quyet hang trieu tan than ton kho khong the chay theo kinh te
Ngành than tồn kho hơn 9 triệu tấn than. Ảnh: TL

“Không thể chạy theo kinh tế bỏ qua ổn định chính trị xã hội"

Báo cáo của TKV mới đây cho biết, giá thành sản xuất than những năm qua vẫn tăng là do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng cung độ vận chuyển, tỷ trọng than hầm lò thay đổi từ 44% năm 2011 lên tới 60% năm 2016 và dự kiến còn tăng trong khi áp lực mỏ ngày một lớn.

Bên cạnh đó, suất đầu tư tăng làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay, chính sách thuế và phí tăng nhanh tạo sức ép lên giá thành than của ngành…

Về lượng hàng tồn kho, đây là “tồn kho chiến lược” cho nền kinh tế, ngành than tự bỏ tiền để đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia, là nhiệm vụ chính trị. Việc tồn kho 9 triệu tấn là đã vượt qua định mức 1,5 – 2 triệu tấn, nếu tăng tồn kho lên nữa, tài chính ngành than rất khó khăn. Năm 2017, ngành đã cân đối theo kế hoạch chỉ đạo của Nhà nước, của Bộ giao cho là 19,42 triệu tấn than nội địa.

Lãnh đạo TKV cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngành đã sản xuất tăng thêm 2 triệu tấn để đáp ứng chỉ tiêu tăng GDP. Tuy nhiên, đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm 2 triệu tấn than, cùng với 2 triệu tấn than khai thác thêm khiến ngành than tồn 4 triệu tấn, nâng tổng tồn kho lên đến 13 - 14 tiệu tấn sẽ khiến cho 4.000 công nhân mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa. Điều này cũng kéo theo an ninh trật tự trên địa bàn bị ảnh hưởng và nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị giảm sút.

Phản hồi về những thông tin này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cần đánh giá chính xác về con số tồn kho, khai thác than không phải bán ngay mà còn phải qua nhiều công đoạn mới bán được, ít nhất phải lưu trữ 5 triệu tấn than trong quá trình đưa đi tiêu thụ.

Bên cạnh việc nhấn mạnh TKV phải hướng tới cạnh tranh lành mạnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, không chỉ là vấn đề về giá, cạnh tranh theo hướng thị trường, mà TKV hiện có khoảng 113.000 người lao động cùng gia đình của họ thì vấn đề bố trí công ăn việc làm, giúp ổn định về kinh tế, xã hội cũng hết sức quan trọng. “Chúng ta không thể chạy theo kinh tế mà bỏ qua các vấn đề ổn định chính trị xã hội”, ông Thắng nói.

Đề nghị Bộ chỉ đạo EVN, PVN chưa mua than đơn vị khác

Trước thực tế tồn kho than tăng, EVN đề xuất giảm mua 2 triệu tấn than so với kế hoạch, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng hôm qua (20/7), TKV đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017; Việc cấp than từ các hộ khác (ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc) cho EVN và PVN chỉ thực hiện từ năm 2018.

Bên cạnh đó, TKV cũng đề xuất chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than Antraxit sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu loại than này trong điều kiện đang bất bình đẳng về thuế, phí để giúp TKV tiêu thụ than tồn và sản lượng tăng thêm.

Cho phép TKV xuất khẩu các loại than mà không phụ thuộc vào hạn ngạch để TKV chủ động sản xuất tiêu thụ và cân đối tài chính…

Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trước mắt Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ yêu cầu EVN chưa thực hiện mua than của các nhà cung cấp khác ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017, tập trung ký hợp đồng tiêu thụ than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.

Đồng thời, chỉ đạo việc có lộ trình , cơ chế xây dựng thị trường than đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả kinh tế và sự phát triển của ngành Than; khi có thị trường than, TKV và Tổng công ty Đông Bắc chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh...

Nguyễn Thảo