|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải cơn 'đói' than cho ngành điện năm 2019

07:02 | 24/12/2018
Chia sẻ
Dự kiến TKV sẽ cung cấp cho ngành điện 31,9 triệu tấn than trong năm 2019. Trong đó, lượng nhập khẩu sẽ tăng lên đến 4 triệu tấn từ mức 800.000 tấn năm 2018.

Nhu cầu tăng than tăng mạnh

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết tập đoàn đã xây dựng kế hoạch năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao. Nguyên nhân là do ngành điện năm 2018 tăng trưởng mạnh. Trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh.

giai con doi than cho nganh dien nam 2019
Giải cơn 'đói' than cho cho ngành điện năm 2019

Bên cạnh đó, giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5 đến 10 USD/tấn tuỳ chủng loại. Theo đó, các ngành tiêu thụ như điện, xi măng, hoá chất, thép chuyển sang mua than từ TKV dẫn đến cung - cầu thay đổi nhanh.

Dự kiến sản lượng than tiêu thụ của TKV năm 2018 là 40 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm và tăng 4,4 triệu tấn so với cùng kỳ 2017. Trong đó, than cho điện là 29 triệu tấn tăng 5,4 triệu tấn so với thực hiện 2017. Con số vượt này tương đương với sản lượng của 3 mỏ than.

Thiếu than cho nhiệt điện do đâu?

Trước đó, cuối tháng tháng 11 báo chí phản ánh tình trạng thiếu than ở các nhà máy nhiệt điện. Theo đó, Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than, không đủ 1 ngày vận hành, Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng còn 66.785 tấn, chỉ đủ cho khoảng 5 ngày vận hành.

Thậm chí, 2 trong 4 tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh phải dừng hoạt động từ ngày 17/11, gây thiệt hại khoảng 10 triệu kWh/ngày.

Về vấn đề này, TKV cho hay các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã kí kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017. Trên thực tế, TKV đã đáp ứng đủ than so với hợp đồng kí kết với các nhà máy điện.

Theo đó, tính đến ngày 28/11, TKV đã cấp cho Nhiệt điện Quảng Ninh 2,6 triệu tấn, hoàn thành khối lượng hợp đồng đã kí. Phần tăng thêm, TKV và Tập đoàn EVN đã thống nhất. Trong tháng 12/2018, TKV cấp tiếp khoảng 200.000 tấn; dự kiến cả năm 2018 là 2,83 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2017.

Trong các cuộc họp ngày 12/11 và ngày 14/11 do Bộ Công Thương chủ trì, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã cam kết đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng đã kí cho các nhà máy điện sản xuất.

Tuy nhiên, việc cung ứng than không đảm bảo cho các nhà máy tăng lượng dự trữ tồn kho theo yêu cầu.

Ngoài ra, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những Nhà máy của EVN chưa kí hợp đồng dài hạn với TKV về cung cấp than. Do đó, TKV chưa có cơ sở để cân đối nhu cầu của nhà máy trong dài hạn để chủ động điều hành sản xuất đảm bảo tăng sản lượng theo yêu cầu.

TKV cho biết thời gian tới hai bên cần phải thống nhất kí hợp đồng cung cấp than dài hạn để chủ động về nguồn cung cho Nhà máy, cũng như chủ động bố trí sản xuất, đầu tư của TKV.

Không để ngành điện "đói" than

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Quang Trung, Phó Trưởng Ban Kinh doanh than của TKV, cho biết việc thiếu than tại các nhà máy điện đã được lường trước từ lâu. Hiện nay, TKV và Tổng công ty Đông Bắc là hai đơn vị chính cung cấp than cho các nhà máy điện trong đó TKV chiếm 85 - 87%.

“Tuy nhiên, năng lực sản xuất của TKV chỉ có hạn. Trong trường hợp nhu cầu của các nhà máy điện tăng thêm, TKV phải sử dụng các nguồn than pha trộn giữa trong nước và than nhập khẩu”, ông Trung cho hay.

Phó Trưởng Ban Kinh doanh than TKV thông tin, sản lượng khai thác hiện nay của tập đoàn là 40 - 41 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu của nhiệt điện than trên 50 triệu tấn. Vì vậy, việc đảm bảo than cho các nhà máy điện bằng nguồn cung trong nước là không khả thi.

Tại buổi họp Chính phủ thường kì tháng 11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, thời gian tới Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ phương án nếu không đủ than thì vẫn phải nhập khẩu. Quan trọng là đảm bảo đủ điện để phục vụ cho việc sản xuất và sinh hoạt.

Trong Hội nghị về công tác cung ứng than cho sản xuất điện ngày 12/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh không để thiếu than cho sản xuất điện và không để thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trong bất kì hoàn cảnh nào.

Ông Trung cho biết năm 2018, TKV phải nhập khẩu 800.000 tấn. Về kế hoạch cung cấp than cho cho nhiệt điện năm 2019, đại diện TKV cho biết “Hiện tại vẫn chưa có kế hoạch chắc chắn. Dự kiến TKV sẽ cung cấp cho ngành điện 31,9 triệu tấn. Trong đó, lượng nhập khẩu sẽ tăng lên tới 4 triệu tấn, chủ yếu phục vụ cho điện”.

Về dài hạn, ông Trung cho hay trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2030, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70 triệu tấn than bitum hoặc á bitum.

“Đây là vấn đề về đảm bảo an ninh lượng, không còn thuẩn túy là thương mại”, ông Trung nhận định.

Theo tính toán của EVN, riêng nhu cầu than của ngành điện năm 2019 là 38,3 triệu tấn. Riêng TKV cung cấp khoảng 31,9 triệu tấn, kể cả phần nhập khẩu 4 triệu tấn để pha trộn.

Cần có cam kết giữa TKV và nhà máy điện về tiêu thụ than

Theo TKV, nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than. Điển hình, năm 2017, TKV cung cấp 23,6 triệu tấn than cho điện nhưng thực tế than cho điện năm 2018 dự kiến trên 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn.

Trong trường hợp giảm huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than sẽ kéo theo lượng than tiêu thụ sẽ giảm rất mạnh. Do vậy, TKV cho rằng cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư.

Ngoài ra, do giá bán than cho ngành điện hiện nay thấp hơn giá thị trường, và thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu. TKV cho rằng cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ động phương án nhập khẩu, đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019.

Đức Quỳnh