Giá xăng dầu tuần tới: Triển vọng cầu yếu gây áp lực lên giá cả
Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giá dầu thô WTI tăng 11 UScent lên mức 48,23 USD/thùng; giá dầu Brent giao sau tăng 9 UScent lên 51,29 USD. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu thô WTI giảm 1,6% trong khi giá dầu Brent giảm 2%.
Thị trường dầu đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực kể từ cuối tháng 10 khi văc xin COVID-19 được phê duyệt ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và nhu cầu dầu có thể giảm trong vài tháng tới, theo OilPrice.
Ông Andrew Lipow, chủ tịch Hiệp hội dầu Lipow ở Houston, Texas, cho biết: "Trong khi thỏa thuận Brexit là sự hỗ trợ, tác động của COVID-19 lại được coi là động lực chi phối thị trường dầu mỏ.
Thị trường vẫn đang kì vọng vào sự phân phối rộng rãi hơn các loại vắc xin để có thể đưa nhu cầu tăng trở lại."
Biến thể virus corona mới tấn công nước Anh, nhu cầu dầu gặp khó
Các chủng virus corona mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn đã tấn công Vương quốc Anh, Nigeria và các quốc gia khác.
Có ít nhất bốn công ty sản xuất thuốc hi vọng vắc xin COVID-19 của họ sẽ có hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới của virus đang hoành hành ở Anh và đang thực hiện các thử nghiệm để có thể cung cấp vắc xin trong vài tuần tới.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ và sự suy yếu của đồng USD đã mang lại dấu hiệu khả quan cho thị trường.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 562.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18/12 xuống 499,5 triệu thùng, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết ngày 16/12, theo Reuters.
EIA cho biết thêm các kho dự trữ xăng bất ngờ giảm 1,1 triệu thùng trong cùng tuần xuống 237,8 triệu thùng, trong khi kho dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 2,3 triệu thùng xuống 148,9 triệu thùng.
Theo nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số lượng giàn khoan nhắm mục tiêu dầu thô ở Mỹ đã tăng từ 1 lên 264 vào tuần trước, lần tăng thứ 5 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ ngày 8/5.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS Group AG cho biết: "Hạn chế lưu động ở châu Âu đang đè nặng lên nhu cầu dầu, nhưng thị trường dầu vẫn thâm hụt do OPEC+ cắt giảm sản lượng. Điều này gây áp lực lên nhu cầu dầu và giá cả trong những tuần tới."
Tuần trước, Bộ trưởng Dầu mỏ của Iran cho biết nước này đang có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2021, điều này sẽ đụng độ với các nỗ lực của OPEC+ nhằm ổn định thị trường bằng cách tăng dần sản lượng.