|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Liệu Saudi có quay lại cuộc chiến thị phần khi nhu cầu chậm phục hồi?

21:10 | 09/08/2020
Chia sẻ
Sự chậm lại trong tốc độ phục hồi nhu cầu dầu ​​vẫn tiếp diễn làm nản lòng các nỗ lực của khối OPEC + nhằm thắt chặt thị trường và giảm lượng hàng tồn kho. Điều này có khiến các quốc gia sản xuất dầu quay lại cuộc chiến tăng sản xuất và giành thị phần như trước kia.
Giá xăng dầu tuần tới: Liệu Saudi có quay lại cuộc chiến thị phần khi nhu cầu chậm phục hồi? - Ảnh 1.

Nguồn: Oilprice

Kết thúc giao dịch tuần này, giá dầu thô WTI giảm 73 cent, tương đương 1,7%, xuống 41,27 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 69 cent, tương đương 1,5%, xuống 43,3 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá dầu WTI và Brent ghi nhận mức tăng tương ứng 2,4% và 2,5%.

Sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trong thời gian gần đây là yếu tố chính tác động đến triển vọng nhu cầu nhiên liệu. Số trường hợp nhiễm ở Mỹ vẫn đang tăng ở một số bang trong khi Ấn Độ báo cáo số ca nhiễm hàng ngày tăng kỉ lục. Hơn 700.000 người đã tử vong do đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.

Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 4,9 triệu người Mỹ nhiễm COVID-19 với số ca tử vong lên tới trên 160.000 người. Dự báo số ca tử vong có thể tăng lên 200.000 vào ngày 1/10, đặt ra nghi ngờ về khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá dầu giảm hôm 7/8 khi Bộ Lao động báo cáo Mỹ có thêm 1,8 triệu việc làm trong tháng 7, chậm hơn so với mức tăng 4,8 triệu việc làm trong tháng 6 do đợt tái bùng phát COVID-19 cản trở sự phục hồi của thị trường lao động.

Báo cáo việc làm tháng 7 giúp đồng USD cải thiện và đè nặng lên giá dầu và các mặt hàng khác. Chỉ số US Dollar Index tăng so với rổ 6 loại tiền tệ khác, chốt phiên ở mức 93,39 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 3.

Sự phục hồi của nhu cầu dầu toàn cầu dường như đã bị trì trệ khi OPEC + bắt đầu hạ hạn ngạch cắt giảm 2 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/8.

Arab Saudi, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới và là thành viên dẫn đầu khối OPEC, đag phải đối mặt với tình thế khó xử: nên cố gắng giành lại thị phần một lần nữa hay tiếp tục tuân thủ đầy đủ các qui định cắt giảm với hi vọng nguồn cung thị trường thắt chặt sẽ khiến giá dầu tăng.

Các dấu hiệu gần đây phản ánh sự phục hồi chậm dần trong nhu cầu dầu có thể thúc đẩy Arab Saudi quay trở lại cuộc chơi thị phần thay vì đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các hạn ngạch cắt giảm của OPEC +.

Ngày càng có nhiều bất ổn trên thị trường dầu cả về phía cung và cầu. Nhu cầu phục hồi chắc chắn không thể đạt được mô hình chữ V và có thể bị đình trệ khi đợt tái bùng phát COVID-19 gia tăng ở nhiều quốc gia. 

Đồng thời, nguồn cung dầu toàn cầu cũng phải đối mặt với việc đầu cơ khi các nhà sản xuất OPEC + và Bắc Mỹ khôi phục một phần sản lượng bị cắt giảm trước đó.

Việc nới lỏng cắt giảm của OPEC + kể từ tháng 8 diễn ra khi trong hoàn cảnh tốc độ phục hồi của nhu cầu dầu đang gặp khó khăn, bao gồm cả thị trường trọng điểm của OPEC là châu Á.

Điều này có thể khiến Arab Saudi cắt giảm giá bán chính thức (OSP) lần đầu tiên sau 4 tháng. Phần lớn các nhà kinh doanh và nhà máy lọc dầu ở châu Á kì vọng công ty dầu mỏ khổng lồ Aramco sẽ giảm giá dầu xuất khẩu sang châu Á trong tháng 9 khi nhu cầu phục hồi chậm lại ảnh hưởng tới tỉ suất lợi nhuận sản xuất dầu.

Theo ước tính của Reuters, tỉ suất lợi nhuận từ việc chế biến dầu thô thành xăng ở châu Á gần như bốc hơi trong suốt tháng 7, giảm từ 2,37 USD/thùng vào ngày 1/7 xuống chỉ còn 0,04 USD vào cuối tháng 7.

Linh Giang