Giá thép xây dựng hôm nay (14/10): Nhu cầu yếu ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành thép thế giới
Nhu cầu suy yếu gây ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành thép thế giới
Giá thép xây dựng hôm nay
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 40 nhân dân tệ lên 3.645 nhân dân tệ/tấn vào lúc 14h30 (giờ Việt Nam).
Lợi nhuận của các nhà sản xuất thép giảm trong các quí tới dù giá nguyên liệu quặng sắt giảm. Nguyên nhân là giá thép cũng sụt giảm dưới áp lực bởi nhu cầu yếu, theo Reuters.
Giá quặng sắt giao cho Trung Quốc đạt mức cao nhất 5 năm là 126,5 USD/tấn vào ngày 3/7, tăng 74% trong 6 tháng do nguồn cung từ các nhà xuất khẩu hàng đầu Australia và Brazil gián đoạn.
Tuy nhiên, kể từ mức cao kỉ lục đó, giá quặng sắt đã giảm 26%.
Ở phương Tây, đặc biệt là châu Âu, các nhà máy đang thực sự gặp khó khăn. Nhu cầu ngày một suy yếu hơn và nguyên nhân chính là sự sụt giảm doanh số bán xe trên toàn cầu.
Thị trường ô tô toàn cầu, lĩnh vực có nhu cầu thép lớn thứ hai sau xây dựng, gần đây đã chững lại do tăng trưởng kinh tế suy giảm, đặc biệt là ở thị trường hàng đầu Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, tổng doanh số bán ô tô giảm 6,9% trong tháng 8, giảm tháng thứ 14 liên tiếp và Hiệp hội công nghiệp hàng đầu cảnh báo doanh số sẽ yếu trong 3 năm tới.
Các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ, thị trường lớn thứ hai thế giới, báo cáo doanh số bán hàng giảm mạnh trong tháng 9, trong khi Tập đoàn Moody's giữ triển vọng tín dụng của ngành thép châu Âu ở mức âm vì thị trường toàn cầu trì trệ.
Sự sụt giảm trong doanh số bán ô tô cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút ảnh hưởng đến nhu cầu và giá thép.
Giá thép thép cuộn cán nóng (HRC) tại Trung Quốc, nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất ô tô và đồ gia dụng, giảm 16% kể từ ngày 1/7 trong khi giá HRC tại Bắc Mỹ giảm 19% kể từ ngày 1/8.
Dự kiến giá thép tại Mỹ sẽ giảm sâu hơn trong ngắn hạn, chuyên gia phân tích Martin Englert của Jefferies cho biết.
"Dự đoán sự phục hồi giá sớm nhất có thể trong quí I năm 2020 nhưng người mua trên thị trường vẫn nghi ngờ, chỉ ra sự phục hồi thất bại gần đây vào cuối mùa hè vừa qua".
Áp lực lên giá thép cũng có thể đến từ nguồn cung dư thừa do sản lượng ở Trung Quốc trong mùa đông tăng cao.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã thực thi việc đóng cửa các nhà máy và giảm sản lượng vì cuộc chiến chống ô nhiễm trong mùa hè nhưng năm nay các tiêu chuẩn về khí thải sẽ linh hoạt hơn, các chuyên gia cho biết.
Mục tiêu kiểm soát ô nhiễm không khí chặt chẽ hơn trong năm ngoái, tuy nhiên dường như không thể hạn chế nguồn cung thép nguyên liệu, theo chuyên gia phân tích Myles Allsop tại UBS.
Trug Quốc, quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới, cũng gặp khó khăn trong kiểm soát việc tăng công suất bất hợp pháp.
Sản xuất thép của Trung Quốc tăng 6,6% trong năm ngoái lên mức cao kỉ lục và tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, con số này tăng 8,6%, theo Hiệp hội Thép Thế giới.
Nhà sản xuất thép hàng đầu của Nhật Bản, Tập đoàn thép Nippon, đã đưa ra cảnh báo trong tháng 8 về lợi nhuận giảm do giá quặng sắt tăng, nhưng sau đó trở nên lạc quan khi giá giảm.