|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá than và khí tăng cao, doanh nghiệp thủy điện lên ngôi

21:54 | 29/05/2022
Chia sẻ
Việc mở cửa kinh tế trở lại giúp tiêu thụ điện toàn quốc tăng. Cùng đó, giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (giá CGM) cũng tăng lên.

Trong bối cảnh thuận lợi, doanh nghiệp điện đã có kết quả kinh doanh rất khả quan, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy điện. Giới phân tích cũng cho rằng, trong bối cảnh giá than và khí tăng, cộng hưởng với sự thiếu hụt than, doanh nghiệp thủy điện sẽ tiếp tục hưởng lợi trong quý II/2022.

“Ngôi sao sáng” của ngành điện

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, giá CGM trung bình quý đầu năm 2022 là 1.515 đồng một kWh, tăng 37% so với cùng kỳ 2021.

Thị trường phát điện cạnh tranh được triển khai xây dựng từ đầu năm 2019, hướng tới đưa ra mô hình thiết kế thị trường bán lẻ điện phù hợp với thông lệ quốc tế, cho phép khách hàng lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp điện, đảm bảo giá bán lẻ điện minh bạch và phản ánh đúng chi phí...

Tuy nhiên, nếu tính chung cả năm nay, giá CGM được SSI dự đoán chỉ tăng 30%, khoảng 1.300 đồng một kWh. Giả định trên thấp hơn so với trung bình quý I/2022 do hiện tượng La Nina (nhiệt độ biển hạ thấp, gây nhiều bão) có thể quay lại trong quý II.

Trong hệ thống các nhà máy điện, nhà máy thủy điện có chi phí và giá bán trung bình thấp hơn so với nhiệt điện. Sản lượng từ nhà máy thủy điện tăng có thể làm hạ nhiệt mức tăng giá CGM. Nhưng SSI vẫn lưu ý, nếu nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh thì diễn biến giá CGM có thể vẫn thuận lợi.

 Hồ thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội).

Về tình hình tiêu thụ điện, SSI nhận định, nếu giá dầu khí và than nhiệt tiếp tục tăng, áp lực lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại sẽ khiến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam bị ảnh hưởng, từ đó kéo theo mức tiêu thụ điện giảm.

Theo kịch bản xấu nhất, nếu tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 5-6%, tăng trưởng tiêu thụ điện toàn quốc sẽ khoảng 7%. Nếu GDP tăng 6-7%, tiêu thụ điện sẽ tăng 9,2%.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, trong quý I/2022, tổng sản lượng điện tăng nhẹ 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 63,03 tỷ kWh nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Theo ước tính của KIS Việt Nam, tổng doanh thu của 38 doanh nghiệp ngành điện tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng ngoạn mục 69,9% so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng và giá bán thuận lợi; trong đó, các công ty thủy điện là bên đóng góp chính vào tăng trưởng, khi lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt mức tăng trưởng kỷ lục 108,1% so với cùng  kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã chứng khoán: VSH) vươn lên dẫn đầu toàn ngành thủy điện với tăng trưởng doanh thu ấn tượng, tăng 325% so với cùng kỳ năm 2021.

KIS Việt Nam cho rằng, thủy điện sẽ được hưởng lợi từ khủng hoảng thiếu than trong quý II/2022. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), toàn hệ thống đang thiếu hụt 3.000 MW điện than khi mùa cao điểm đang tới rất gần.

Tỷ trọng than nhập khẩu trong lượng than Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cung cấp cho các nhà máy điện tăng trong bối cảnh giá than thế giới tăng mạnh đang gây áp lực lên giá bán điện than.

Mặc dù giá khí đang có xu hướng tiếp tục tăng, KIS Việt Nam tin rằng EVN sẽ tăng cường huy động nhiệt điện khí cùng với thủy điện để bù đắp cho thiếu hụt điện than.

Trong bối cảnh giá than và khí tăng, cộng hưởng với sự thiếu hụt than, các công ty thủy điện ở khu vực miền trung nổi lên như là “ngôi sao sáng” của ngành điện. 

Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên – Nam Trung Bộ trong quý II/2022 được dự báo cao hơn trung bình các năm trước. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các công ty thủy điện ở khu vực này như: Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã chứng khoán: VSH), Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán: GEG) và Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (mã chứng khoán: DNH).

Trước đó, quý I/2022, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã chứng khoán: VSH) vươn lên vị trí số 1 trong nhóm thủy điện khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 325% và 298% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ việc đi vào vận hành của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, dẫn đến sản lượng tăng ngoạn mục 620 triệu kWh, tương ứng mức tăng 173% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (mã chứng khoán: DNH) có doanh thu đứng thứ 2 trong nhóm cũng duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 22% so với cùng kỳ năm ngoái, khi lưu lượng nước đổ về các hồ chứa của nhà máy tiếp tục tăng.

Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán: GEG) đã quay trở lại vị trí đầu tàu khi tăng trưởng doanh thu đạt mức cao nhất lịch sử, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái, vì các dự án điện gió mới của công ty đã bắt đầu vận hành từ quý IV/2021.

KIS Việt Nam cho biết, biên lợi nhuận gộp ngành điện đạt đỉnh trong quý I dù giá nhiên liệu đầu vào tăng. Tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty thủy điện đạt mức kỷ lục 63,1% trong quý I/2022, tăng 8,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và 2,6 điểm phần trăm so với quý liền trước đó.

Kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng đã giúp các công ty thủy điện hoàn thành từ 28 - 40% kế hoạch doanh thu năm 2022.

Nhiệt điện đối mặt với nhiều thách thức

Dù các công ty nhiệt điện vẫn tăng mạnh về doanh thu và lợi nhuận trong quý I, nhưng giới phân tích cho rằng doanh nghiệp nhiệt điện sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Quý I, giá than Newcastle và giá dầu FO Singapore (giá tham chiếu của giá khí Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PVGAS - mã chứng khoán: GAS) cung cấp cho các nhà máy điện trong nước lần lượt tăng 187% và 49% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, giá bán điện tăng mạnh cũng giúp bù đắp cho tác động tiêu cực từ việc tăng giá nhiên liệu, khi tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty nhiệt điện mở rộng 3,7% so với cùng kỳ năm trước và 4,1% so với quý liền trước.

KIS Việt Nam dự báo giá khí tăng có thể làm tổn hại đến biên lợi nhuận gộp của các công ty điện khí trong quý II/2022. Cùng đó, do sự thiếu hụt nguồn cung than cùng với đà tăng của giá than thế giới vì căng thẳng chính trị, KIS Việt Nam tin rằng các công ty điện than sẽ đối mặt khó khăn trong quý II/2022. Tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty có thể sẽ giảm trong quý II/2022.

 Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 tại Đồng Nai. (Ảnh: PV POWER).

Trong nhóm nhiệt điện, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (mã chứng khoán: PGV) là công ty có doanh thu lớn nhất với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 19,3% và 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ danh mục đa dạng, doanh nghiệp có thể tăng huy động từ Nhà máy điện khí Phú Mỹ và thủy điện Buôn Kuốp trong lúc các nhà máy điện than của công ty đang vận hành dưới công suất.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: POW) và công ty con Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2) là những doanh nghiệp nổi trội khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lần lượt là 41,8% và 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, doanh thu của Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP giảm nhẹ 7.8% so với cùng kỳ năm ngoái khi nhà máy điện than Vũng Áng 1 (thường đóng góp hơn 50% doanh thu của doanh nghiệp) hoạt động kém hiệu quả trong quý I/2022 do thiếu than.

Trong nhóm điện than, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND) có doanh thu tăng trưởng tích cực, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ cải thiện giá bán và sản lượng khi sản lượng tăng 265 triệu kWh; trong đó, sản lượng hợp đồng với EVN tăng 121 triệu kWh so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP) và Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP (mã chứng khoán: DTK) cũng có doanh thu khả quan khi lần lượt tăng 44,9% và 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, doanh thu của PPC giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái khi sản lượng sụt giảm 6,7% do sự cố kỹ thuật tại tổ máy S6 vẫn chưa được khắc phục.

CTCP Chứng khoán Dầu khí (mã chứng khoán: PSI) cho rằng, nhiệt điện đối mặt với nhiều thách thức khi giá dầu thế giới tăng mạnh kéo theo đó là giá khí cung cấp cho các nhà máy.

Theo Chứng khoán PSI, nếu tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng, đà tăng của giá dầu sẽ không dừng lại khiến giá khí bán cho các nhà máy điện cũng tăng, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp điện khí có thể tiếp tục bị tác động tiêu cực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhiệt điện than cũng gặp khó tương tự khi nguồn cung nhiên liệu eo hẹp, giá bán tăng cao.

Văn Giáp