[Giá nông sản ngày 8/5] Giá cà phê dự báo khó lên 45.000 đồng, cao su lại lao dốc gần 7%
Cập nhật giá nông sản ngày 8/5.
Trên thị trường cà phê, giá thu mua tại các tỉnh Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh biến động trái chiều trong sáng nay. Trong khi giá tại Đắk Lắk và Gia Lai tăng nhẹ 100 đồng, giá tại Kon Tum và TP Hồ Chí Minh lại tăng 200 đồng. Tại các tỉnh khác, giá không đổi so với cuối tuần trước.
Hiện tại, giá cà phê Tây Nguyên dao động trong khoảng 43.000 – 44.100 đồng/kg, và giá cà phê robusta loại 1 tại TP Hồ Chí Minh là 45.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com) |
Ở Việt Nam, tồn kho cà phê robusta tại các kho quanh TPHCM vẫn còn lớn, ước chừng trên 400.000 tấn. Giao dịch mua bán xuất khẩu tại Việt Nam trong thời gian qua rất yếu do giá hai bên mua bán không gặp nhau, giá nội địa cao nên đã có hiện tượng người mua trữ hàng tại kho nội địa bán ngược lại ăn chênh lệch giá.
Ông Bình cho rằng, không có sức mua xuất khẩu, giá sẽ khó lên 45 triệu đồng/tấn nếu lấy mặt bằng cuối tuần qua là 44.000 đồng/kg tại nhiều nơi ở Tây nguyên, vùng cà phê trọng điểm của cả nước.
Trên thị trường thế giới, các quỹ đầu tư trên sàn arabica New York từ bỏ vị thế dư mua sang vị thế dư bán. Tính đến ngày khóa sổ mới nhất 02/05, giới đầu tư tăng lượng dư bán từ 8745 lô lên 12.654 lô tương đương với 215.624 tấn. Nếu vị thế dư bán tiếp tục tăng, giá arabica sẽ tiếp tục giảm sâu về 132 – 130 US cent/pound, chuyên gia Nguyễn Quang Bình tại Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF) dự báo.
Đối với giá robusta, các yếu tố kỹ thuật đang hỗ trợ cho đà tăng giá. Ông Bình dự báo, giá robusta sẽ tiếp tục tăng trong thời điểm mở cửa đầu tuần vào ngày 08/05.
Trên thị người nguồn cung hàng thực, Indonesia đang ra hàng mạnh. Tin thị trường cho hay hàng ngày có chừng 1.500 tấn robusta được kéo về cảng xuất khẩu chính Lampung. Giao hàng lên tàu trong tháng 04/2017 của nước này ước 25.000 tấn, trong đó có 10.000 tấn của vụ cũ, theo NCIF.
Tại Nam Mỹ, hàng mùa mới cả robusta lẫn arabica đang ra dần. Ở Colombia, mưa đã làm chậm mùa phụ. Tại các nơi khác như Peru, Honduras và Guatemala, hàng ra thị trường khá chậm một mặt do giá kỳ hạn New York giảm mua bán uể oải, mặt khác do lượng containers không đủ cho cà phê xuất đi như tại Honduras.
Trên thị trường cao su, giá tại Nhật Bản bất ngờ lao dốc mạnh sau đợt nghỉ Tuần lễ vàng. Cụ thể, giá cao su giao tháng 10 trên sàn TOCOM giảm khoảng 6,8% so với phiên giao dịch trước nghỉ lễ vào lúc 12h15. Giá giao dịch ở 206,5 yen/kg, mức thấp nhất kể từ ngày 20/4.
Giá cao su TOCOM (Nguồn: TOCOM) |
Giá giảm mạnh ngay từ đầu phiên nhưng sau đó lại biến động rất nhẹ, trong biên độ khoảng 206 – 210 yen/kg trong cả phiên sáng.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm mạnh do áp lực bán tháo ở thị trường Trung Quốc và Ấn Độ trong vài phiên vừa qua.
Trong đó, giá cao su tại Trung Quốc có phiên mất hơn 1.000 nhân dân tệ khi lãi suất cho vay ngắn hạn liên tiếp leo đỉnh. Đến 11h45 sáng nay, giá cao su giao tháng 9 trên sàn SHFE giảm thêm 95 nhân dân tệ. Phần lớn các hợp đồng cao su tại đây đều đang giao dịch ở ngưỡng 13.000 nhân dân tệ/tấn.
Theo nhận định của giới chuyên gia, người mua cao su thiên nhiên dường như không mấy lo ngại về nguồn cung sau khi 3 nước sản xuất cao su lớn, gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan, đạt được thỏa thuận mới về việc cắt giảm nguồn cung để kích thích giá.
Xu hướng giá cao su trong vài phiên gần đây trái ngược hoàn toàn với dự báo của Hiệp hội các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên và Hiệp hội Cao su Quốc tế. Hai tổ chức này vẫn tin rằng, giá cao su sẽ phục hồi trước triển vọng nguồn cung sẽ bị gián đoạn vì thời tiết và niềm tin thị trường được cải thiện.
Trên thị trường hồ tiêu, giá thu mua tại hầu hết các tỉnh đều không đổi so với cuối tuần trước. Riêng giá tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai giảm thêm 1.000 đồng/kg trong sáng nay. Trước đó, giá hồ tiêu đã liên tiếp giảm trong hai ngày cuối tuần trước.
Giá hồ tiêu tại VIệt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com) |
Tại Ấn Độ, giá hồ tiêu chốt tuần trước cũng giảm sâu vì nguồn cung trên thị trường tăng mạnh. Trong đó, giá hồ tiêu kỳ hạn giảm về 540 -552 rupee/kg với 43 tấn tiêu của vùng Wayanad và các cao nguyên khác được giao dịch trên sàn. Giá tiêu giao ngay cũng giảm 200 rupee xuống 53.700 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 55.700 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc).
Xét về giá xuất khẩu, giá tiêu Ấn Độ xuất sang châu Âu là 9.000 USD/tấn và xuất sang Mỹ là 9.250 USD/tấn.
Ngoài ra, giá một số nông sản chính khác cũng đều giảm tính đến thời điểm cập nhật hiện tại.
Bảng giá một số nông sản khác. (Thanh Tùng tổng hợp) |