|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi vẫn chưa kịp hạ nhiệt, nguồn cung lại đối diện thêm thách thức

11:53 | 16/07/2020
Chia sẻ
Dù thu lãi cao nhờ giá heo tăng nhưng người chăn nuôi vẫn rất dè dặt tái đàn. Trong khi đó, việc nhập khẩu heo sống từ nước ngoài lại trở nên không mấy thuận lợi dù chỉ mới đưa được vài lô heo đầu tiên về Việt Nam.

Hiện nay, giá heo hơi tiếp tục ở mức cao và nhiều nơi vẫn duy trì xu hướng tăng do nguồn cung vẫn đang thiếu hụt. 

Cụ thể, giá heo hơi hôm nay (16/7) tại miền Bắc dao động trong khoảng 88.000 - 92.000 đồng/kg. Nình Bình, Hà Nam, Tuyên Quang là 3 địa phương giữ đỉnh của vùng đến 92.000 đồng/kg.

Giá heo ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam cũng ở mức chót vót trong khoảng 81.000 - 92.000 đồng/kg, trong đó, Kiên Giang là tỉnh báo tăng đến 4.000 đồng/kg với cùng lí do là nguồn cung vẫn khan hiếm. 

Riêng tại thủ phủ heo Đồng Nai, hiện giá heo hơi xuất tại trại dao động từ 90.000 - 92.000 đồng/kg, tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với tuần trước.

Giá heo hơi liên tục tăng nhưng đa số người chăn nuôi vẫn chưa dám mạnh tay trong tái đàn vì đầu tư vào chăn nuôi heo trong giai đoạn hiện nay dễ gặp rủi ro về thị trường và nhất là nguy cơ tái phát dịch tả heo châu Phi còn quá lớn.

Giá heo hơi vẫn chưa kịp hạ nhiệt, nguồn cung lại đối diện thêm thách thức - Ảnh 1.

Giá heo hơi trên cả nước vẫn đang ở mức cao, quanh vùng 90.000 đồng/kg. Ảnh minh họa.

Theo báo Đồng Nai, ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tổng đàn heo của huyện chỉ còn khoảng 160.000 con, chưa bằng 30% so với tổng đàn ở thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. 

Khó khăn không nhỏ trong việc tái đàn hiện nay là đàn giống giảm quá mạnh và không dễ phục hồi trong một sớm một chiều. Người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện không đủ điều kiện và cũng không còn nguồn vốn để gầy dựng lại đàn heo. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạo, chủ trại heo ở xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) cho biết do giá heo giống tăng quá cao, nguồn vốn để tái đàn hay đầu tư một trại chăn nuôi mới tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Tuy nhiên, thực tế, một số chủ trại lại trắng tay khi vừa tái đàn, heo bất ngờ chết hàng loạt vì dịch bệnh.

Không chỉ tại Đồng Nai, tương tự, theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá cả heo hơi không ổn định và thiếu hụt con giống dẫn đến giá thành rất cao, từ 2 - 3 triệu đồng/con nên người chăn nuôi phải rất thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. 

Do đó, việc tái đàn phục hồi còn chậm, chủ yếu là trong hệ thống trang trại của Công ty CP là chính, các hộ chăn nuôi gia trại phát triển chưa nhiều. Theo thống kê, hiện tổng đàn heo của tỉnh là gần 179.000 con, chỉ bằng 56,8% so với cùng kì năm ngoái.

Trước thực tế nguồn cung khan hiếm khiến giá thịt heo tăng cao, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm “hạ nhiệt” giá thịt heo. Trong đó, nổi bật là giải pháp tăng nhập khẩu nguồn thịt heo đông lạnh, nhất là gần đây, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan về giết thịt.

Theo đó, Việt Nam đã nhập khẩu 500 con heo hơi đầu tiên từ Thái Lan qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị vào ngày 17.6 vừa qua rồi đưa về huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để cách li, sau đó giết mổ và cung cấp cho thị trường.

Ngoài ra, các đơn vị cũng đã có 3 đợt nhập khẩu heo giống từ Thái Lan về Việt Nam, số lượng khoảng 2.000 con heo giống, heo bố mẹ nhằm góp phần tăng đàn heo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mới đây, theo trang Bangkok Post, Bộ Thương mại Thái Lan đang cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu heo sau khi giá thịt heo bán lẻ tại nước này đã lên tới 170 - 180 baht/kg, tương đương khoảng 124.000 - 132.000 đồng/kg, cao cao nhất trong 10 năm trở lại đây do nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng.

Như vậy, có thể thấy, nguồn cung heo của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ nguồn cung khan hiếm, đến rủi ro của dịch tả heo châu Phi vẫn ở mức cao và giờ đến cả nguy cơ "không mấy thuận lợi" của giải pháp nhập khẩu heo ngoại vốn được kì vọng sẽ "giải cứu" mặt bằng giá heo cao ngất ngưởng của thị trường nội địa.

Như Huỳnh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.