Giá heo hơi đạt đỉnh gần hai năm
Đàn heo nái thiệt hại
Thông thường, mùa hè là giai đoạn thấp điểm của tiêu thụ heo hơi. Do đó, giá heo hơi trong giai đoạn này có xu hướng đi xuống, sau đó bật tăng vào quý III và IV. Tuy nhiên, năm nay lại khác. Từ đầu năm, giá heo hơi liên tục tăng qua các các tháng và tiến dần đến mốc 70.000 đồng/kg.
Tính đến này 29/5, giá heo hơi trung bình khoảng 68.000 đồng/kg, tăng 36% so với hồi đầu năm. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 8/2022.
Trong báo cáo công bố hôm 29/5, Tổng Cục Thống kê cho biết giá thịt heo tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả châu Phi vào cuối năm 2023. Tính đến ngày 22/5, dịch tả heo Châu Phi vẫn còn ở 21 địa phương chưa qua 21 ngày.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết vài năm trước đây, dịch tả heo Châu Phi lan mạnh nhất ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo việc an toàn sinh học. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh dịch này cũng đã lan mạnh tại cả những trang trại của các doanh nghiệp lớn.
“Bệnh dịch kèm theo người dân bỏ chuồng do năm ngoái thua lỗ đã ảnh hưởng năng suất của tổng đàn đàn heo trên địa bàn tỉnh và gây ra tình trạng thiếu hụt heo. Tôi ước tính đàn heo tại Đồng Nai giảm khoảng 30%”, ông nói.
Theo giới chuyên gia và các doanh nghiệp, trong giai đoạn trước Tết xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, gây sức ép lên giá xuống khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Do đó, đến giai đoạn sau Tết, nguồn cung heo (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm.
Ông Công cho biết điều đáng lo ngại nhất chính là dịch bệnh đã tàn phá đàn heo nái và phải mất ít nhất 1,5 năm mới có thể phục hồi được.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cũng nhận định việc nắm được số liệu thực tế tổng đàn nái của cả nước hiện tại là rất khó bởi nhiều cơ sở nuôi còn giấu dịch, các địa phương báo cáo vẫn còn nặng thành tích.
“Nếu thực tế số liệu đàn nái được 2,9 triệu con như trong báo cáo thì hoàn toàn không sợ thiếu nguồn cung. Nhưng số liệu thống kê trong báo cáo vẫn chưa cập nhật được với tình hình thực tế. Tôi có trao đổi với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, trong đó có một số doanh nghiệp FDI, được biết họ đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện tại, họ ưu tiên sử dụng con giống để nuôi trong nội bộ và hạn chế bán ra ngoài. Thậm chí một số doanh nghiệp ghi nhận lượng đàn nái chết 50%”, ông Trọng cho biết.
Do đó, ông nhận định xu thế mất cân đối cung - cầu sẽ còn diễn ra trong vài tháng tới bởi để đàn heo nái phục hồi phải mất 1,5 năm.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam cho biết dịch bệnh trong 2023 làm mất nhiều đàn nái, có áp lực nguồn cung khan hiếm. Hiện giá heo hơi ngoài thị trường khoảng 63.000 - 64.000 đồng/kg và đang tiếp tục tăng.
Cũng tại đại hội đồng cổ đông hôm 27/4, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco, nhận định cách đây 5 năm khi chưa có dịch bệnh, tổng đàn heo nái của cả nước khoảng 2,8 triệu con nhưng giờ chỉ còn khoảng 1,4 triệu con.
Doanh nghiệp tái đàn trong nỗi lo dịch bệnh
Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung hiện nay, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc tái đàn. Ông Nguyễn Trí Công cho biết các công ty đang đẩy mạnh nhập khẩu heo nái, heo giống từ các nước như Pháp, Canada, Mỹ.
Tuy nhiên, họ cũng đang tỏ ra khá thận trọng với những diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi. Đây cũng là nỗi lo "khủng khiếp" nhất của người chăn nuôi.
"Mặc dù các doanh nghiệp đã làm rất tốt về an toàn sinh học nhưng sức khoẻ của tổng đàn vẫn là thước đo mạnh. Các doanh nghiệp phải quản lý cả những bệnh nền heo như dịch tả cổ điển, viêm phổi, FMD...Một điểm may mắn là hiện nay mức độ lây lan của dịch tả heo châu Phi không nhanh và mạnh như ngày xưa nữa", ông nói.
Theo ông Nguyễn Như So, Dabaco đang lên kế hoạch bổ sung đàn heo nái và heo giống. Cụ thể, hôm 24/4, Dabaco nhập khẩu một lô heo giống. Đàn heo giống tiếp tục mở rộng quy mô và đưa năng suất đàn heo của doanh nghiệp lên mức cao nhất trong 28 năm hoạt động.
Ngoài ra, công ty vẫn duy trì kế hoạch tăng đàn nái từ 50.000 con lên 60.000 con, trong đó một phần liên kết với nông dân.
“Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025, chậm nhất là năm 2026 có đủ đất để mở rộng đàn nái lên khoảng 90.000 con và đàn heo thịt khoảng 1,5 triệu con”, ông So nói.
Công ty Nông nghiệp BAF Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư sớm để đón sóng hồi phục. BAF dự kiến đưa vào hoạt động thêm 7 dự án trang trại, gồm 4 trại ở Tây Ninh (Tân Châu, Tâm Hưng, Hải Đăng, Tây An Khánh), 1 trại ở Phú Yên (Phú Yên 2), 1 trại ở Bình Phước (Thiên Phú Sơn) và 1 trại ở Gia Lai (Hùng Phát Farm 1).
Riêng cụm trại Hải Đăng (quy mô 5.000 nái và 60.000 heo thịt), trại Tân Châu (30.000 heo thịt) và Tâm Hưng (5.000 heo nái) đã đi vào vận hành trong tháng 3/2024.
Doanh nghiệp còn dự kiến khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Dự kiến, tổng đàn cuối năm 2024 sẽ gấp đôi cùng kỳ, nâng lên 75.000 heo nái và 800.000 heo thịt (cuối 2023, con số tương ứng là 37.000 và 330.000 con).