Giá gas hôm nay 6/2: Tăng trở lại chỉ sau một ngày giảm
Giá gas thế giới hôm nay
Xem thêm: Giá gas hôm nay 7/2: Tiếp tục tăng nhẹ dưới 1%
Giá gas hôm nay (6/2) tăng 0,24%, lên mức 2,07 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 3/2024 vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Theo Oilprice.com, nguồn cung khí đốt dồi dào đang giữ giá LNG giao ngay tại châu Á ở mức thấp nhất trong 7 tháng, bất chấp mô hình giá tăng theo mùa trong mùa Đông cao điểm.
Tuần trước, giá LNG trung bình cho đợt giao hàng tháng 3 tới Đông Bắc Á đã tăng 0,1 USD so với tuần trước lên 9,6 USD/mmBTU, vẫn gần mức thấp nhất trong 7 tháng là 9,5 USD/mmBTU, theo ước tính từ các nguồn tin trong ngành được Reuters trích dẫn.
Trong tuần thứ ba liên tiếp, giá LNG giao ngay tại châu Á vẫn ở dưới ngưỡng 10 USD/mmBTU, bất chấp mùa Đông cao điểm ở Bắc Á.
Hàng tồn kho dồi dào và nhu cầu giảm, cùng với xuất khẩu cao từ các nhà xuất khẩu LNG hàng đầu như Mỹ, Australia và Qatar, đang khiến giá giảm.
Trong khi đó, nhập khẩu LNG của châu Á trong tháng 12 ước tính đạt mức cao kỷ lục so với bất kỳ tháng nào trong lịch sử khi Trung Quốc giành lại vị trí nhập khẩu hàng đầu từ Nhật Bản và giá giao ngay thấp hơn đã khuyến khích các nhà giao dịch mua hàng.
Nhập khẩu LNG vào châu Á đã tăng lên 26,5 triệu tấn trong tháng 12, theo dữ liệu từ nhà phân tích hàng hóa Kpler do nhà báo Clyde Russell của Reuters đưa tin.
Trong tháng 1 năm nay, châu Á ước tính đã nhập khẩu khối lượng LNG 26,13 triệu tấn, gần mức cao kỷ lục của tháng trước.
Nhưng nguồn cung cũng đã tăng lên, đặc biệt là từ Mỹ và Australia. Theo dữ liệu được trích dẫn, xuất khẩu LNG của Mỹ ước tính đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12 và khối lượng lớn thứ hai trong tháng 1.
Bên ngoài châu Á, nhu cầu ở châu Âu trầm lắng, khiến các ngành công nghiệp do dự trong việc tăng cường tiêu thụ khí đốt tự nhiên, mặc dù giá hiện nay chỉ bằng một phần nhỏ so với mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2022 và châu Âu dường như đã bỏ lại phía sau cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất.
Sự biến động cao về giá khí đốt tương lai so với mức trung bình trong lịch sử và những bất ổn từ sự bùng nổ địa chính trị ở Trung Đông đến việc Mỹ tạm dừng phê duyệt dự án xuất khẩu LNG mới, tiếp tục là mối lo ngại đối với các khách hàng khí công nghiệp châu Âu.
Nhu cầu yếu từ ngành công nghiệp châu Âu, do mức tiêu thụ thấp hơn và nền kinh tế yếu kém, là một trong những nguyên nhân khiến giá khí đốt sụt giảm trong mùa Đông này, bất chấp thời kỳ nhu cầu sưởi ấm cao điểm.
Giá gas trong nước
Chiều 31/1, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ 7h30 ngày 1/2, giá gas của công ty sẽ tăng 5.000 đồng/bình 12kg và 21.000 đồng/bình 50kg.
Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 479.000 đồng/bình 12kg và 1.994.500 đồng/bình 50kg.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/2 tăng 5.000 đồng/bình 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng 441.000 đồng/bình 1 kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam thông báo, từ ngày 1/2 giá bán PetroVietNam Gas tăng 5.000 đồng/bình 12kg và 18.765 đồng/bình 45kg.
Theo các công ty gas, do giá gas thế giới tháng 2 chốt mức giá 635 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty điều chỉnh tăng theo.
Ông Lê Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ đầu tháng 1 giá gas thế giới diễn biến ở mức 588 USD/tấn giá gas trong nước được dự báo giảm hơn 10.000 đồng/bình 12kg, đến tối 30/1 giá gas vẫn được tiếp tục dự báo giảm 5.500 đồng.
Tuy nhiên, chiều 31/1 giá gas thế giới bất ngờ chốt mức 635 USD tương đương giá bán lẻ tăng 5.000 đồng/bình 12kg.
Đây là tháng thứ hai trong năm 2024 giá gas liên tiếp tăng.