|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên cao nhất hai tháng khi hoạt động thương mại tăng sau Tết

17:35 | 20/02/2022
Chia sẻ
Giá gạo Việt Nam đã tăng trong tuần này nhờ hoạt động thị trường phục hồi trở lại sau kỳ nghỉ lễ, trong khi nhu cầu thấp khiến giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ xuống gần mức thấp nhất trong một tháng.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên cao nhất hai tháng

Theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Việt Nam báo ở mức 400 USD/tấn vào thứ Năm (17/2). Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái và tăng từ 395 USD của một tuần trước. 

"Giá tăng nhẹ nhờ hoạt động thương mại trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và nhu cầu đang tăng lên", một thương lái có trụ sở tại TP HCM cho hay, và nói thêm thêm rằng các thương lái đã mua số lượng vừa phải từ nông dân trước khi vụ Đông - Xuân bước vào kỳ thu hoạch.

Một số thương nhân cho biết họ sẽ tham gia đấu thầu do Tập đoàn Thương mại Nông sản và Thực phẩm của Hàn Quốc tổ chức để mua khoảng 72.200 tấn gạo. 

Giá gạo Thái Lan cũng tăng trong tuần qua

Các thương nhân cho biết giá gạo 5% tấm của Thái Lan ghi nhận ở mức 410 - 420 USD/tấn trong tuần qua, tăng từ 407 - 415 của một tuần trước đó, chủ yếu do thay đổi tỷ giá hối đoái, với đồng baht đã tăng 1,7%. so với đồng USD từ ngày 11/2 cho đến hôm 17/2.

Dù vậy một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho hay giá có thể sớm suy yếu khi vụ thu hoạch trái mùa bắt đầu.

Giá gạo Ấn Độ xuống thấp hơn một tháng 

Tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở 368 - 374 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn một tháng do nhu cầu từ những người mua chủ chốt bị giảm sút. 

"Các nhà nhập khẩu gạo trắng đang chuyển sang Myanmar và Pakistan vì giá thấp hơn", một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết.

Xuất khẩu gạo basmati của nước này đã giảm 20% trong năm ngoái xuống còn 4 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2017, theo dữ liệu của chính phủ.

Cụ thể xuất khẩu tới Iran, khách hàng mua gạo basmati lớn nhất của Ấn Độ, đã giảm 26% so với 2020 xuống còn 834.458 tấn.

"Iran đã không hoạt động trên thị trường trong vài tháng của năm ngoái sau khi dự trữ đồng rupee của họ tại các ngân hàng Ấn Độ cạn kiệt", một đại lý có trụ sở tại Mumbai chia sẻ.

Iran trước đó đã có một thỏa thuận bán dầu cho Ấn Độ để đổi lấy đồng rupee, vốn được sử dụng để nhập khẩu các mặt hàng quan trọng, gồm cả các mặt hàng nông nghiệp, nhưng New Delhi đã ngừng mua dầu của Tehran vào tháng 5/2019 sau khi lệnh miễn trừ trừng phạt của Mỹ hết hạn.

Tehran tiếp tục sử dụng đồng rupee của mình để mua hàng hóa từ Ấn Độ, nhưng không bán dầu thô, điều này đã làm giảm dự trữ đồng rupee của quốc gia Trung Đông.

Ông Vijay Setia, cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (AIREA), cho biết xuất khẩu có sự chậm lại vào giữa năm 2021 nhưng trong 2 - 3 tháng qua, lượng mua từ Iran, Arab Saudi và các khách hàng chủ chốt khác đã tăng lên.

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chủ yếu xuất khẩu gạo non-basmati sang các nước châu Phi và gạo basmati sang Trung Đông. Tổng xuất khẩu gạo của nước này đã tăng gần 46% vào năm ngoái lên mức kỷ lục 21,42 triệu tấn nhờ Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam tăng cường mua.

Nông dân Ấn Độ có khả năng thu hoạch kỷ lục 127,93 triệu tấn gạo trong năm nay, so với 124,37 triệu tấn của năm trước.

Trong khi đó, sản lượng gạo ở quốc gia láng giềng Bangladesh dự kiến sẽ tăng lên 15 triệu tấn trong năm nay, nhờ nông dân tăng diện tích gieo cấy để kiếm tiền nhờ giá gạo trong nước cao hơn và thời tiết thuận lợi, theo Bộ Nông nghiệp Bangladesh.

Nhưng bất chấp mùa màng tươi tốt và dự trữ cao, Bangladesh vẫn phải đối mặt với giá mặt hàng chủ lực trong nước leo thang. 

Tố Tố

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.