|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ

23:30 | 21/05/2023
Chia sẻ
Gạo 5% tấm có giá cao nhất 11.300 đồng/kg, giá bình quân 11.179 đồng/kg, giảm 57 đồng/kg, trong khi gạo 15% tấm có giá cao nhất 11.150 đồng/kg, giá bình quân 11.000 đồng/kg, giảm 42 đồng/kg...

Tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự giảm nhẹ.

Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.550 đồng/kg, giá bình quân là 6.407 đồng/kg, giảm 43 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa thường tại kho lại tăng trung bình 21 đồng/kg, ở mức 7.650 đồng/kg; giá cao nhất là 7.900 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự có sự giảm nhẹ. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 11.300 đồng/kg, giá bình quân 11.179 đồng/kg, giảm 57 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 11.150 đồng/kg, giá bình quân 11.000 đồng/kg, giảm 42 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.950 đồng/kg, giá bình quân 10.775 đồng/kg, giảm 17 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 giảm 63 đồng/kg, giá trung bình là 11.275 đồng/kg.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp-nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số loại như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; riêng OM 4218 là 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa đi ngang ở hầu hết các loại như: IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang không có sự thay đổi nhiều như: Jasmine là 7.000 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.600 đồng/kg; riêng OC10 ở mức 6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Giá lúa ST tại Bến Tre vẫn ở mức 7.800 đồng/kg; OM 4.900 ở Trà Vinh là 6.800 đồng/kg.

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hầu hết các loại lúa duy trì ổn đinh. Giá lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.800-7.000 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400-6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ  6.600-6.800 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200-6.400 đồng/kg.

Giá lúa nếp khô tại An Giang từ 8.200-8.400 đồng/kg; nếp Long An từ 8.600-8.800 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, giá lúa có sự nhích nhẹ ở một số loại như Đài thơm 8 là 8.100 đồng/kg, OM 5451 là 7.900 đồng/kg đều tăng 100 đồng/kg; còn RVT ổn định ở mức 8.300 đồng/kg.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 485-495 USD/tấn trong ngày 18/5, không đổi so với tuần trước. Một nhà giao dịch tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung trong nước đang cạn dần, trong khi nhu cầu vẫn cao. Nhà giao dịch này cho hay sản lượng từ các nước sản xuất gạo khác, bao gồm Myanmar và Pakistan sẽ thấp hơn trong năm nay.

Trong khi đó, giá gạo Thái Lan giữ ở gần mức cao của bốn tháng trong tuần này nhờ sức mua trong nước, trong khi các nhà giao dịch ở các "vựa lúa" châu Á bày tỏ lo ngại về khả năng sản lượng bị ảnh hưởng do sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino trong năm nay.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên khoảng 500 USD/tấn so với mức từ 498-500 USD/tấn trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 1/2023. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho hay giá gạo tăng lên là do nhu cầu trong nước nhiều hơn.

Một thương nhân khác cho biết giá sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian, trong bối cảnh đồng baht mạnh và do vụ thu hoạch mới cần một thời gian để thu hoạch, đồng thời cho biết thêm sản lượng từ các quốc gia khác có thể ít hơn do rủi ro liên quan đến khí hậu.

Khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino đã gây ra những lo ngại về sản xuất cây trồng trên toàn cầu, khi nhiệt độ đại dương ở trung và đông Thái Bình Dương tăng cao hơn mức bình thường.

Các nhà giao dịch tại Việt Nam cũng cảnh báo về những tác động bất lợi đối với sản xuất gạo toàn cầu trong năm nay.

Hiện tượng thời tiết El Nino cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình thời tiết tại nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 374-378 USD/tấn, giảm so với mức từ 376-380 USD/tấn của tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, do nhu cầu yếu và do đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã giảm trong phiên ngày 19/5, dẫn đầu là đậu tương.

Khép phiên này, giá đậu tương giao tháng 7/2023 giảm 0,75 xu (0,14%) xuống 5,545 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 6,75 xu (1,1%) xuống 6,05 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 7/2023 giảm 26 xu (1,95%) xuống 13,0725 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Hoạt động giao dịch có phần ảm đạm sau một tuần sôi động trước đó. Công ty nghiên cứu hàng hóa AgResource có trụ sở tại Chicago đang kỳ vọng các thị trường biến động lớn trong tương lai.

Các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ đã tạm dừng, chỉ còn hai tuần để đạt được thỏa thuận.

Về tình hình thời tiết tại bang vào tuần tới sẽ khô hơn, còn ở bang Minnesota độ ẩm cao hơn. Dự báo có mưa rào trên khắp miền Trung Mỹ trong 10 ngày tới.

Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London trở lại đà tăng. Giá cà phê Robusta giao tháng 7/2023 tăng 48 USD, lên 2.588 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng 9/2023 tăng 32 USD, lên 2.530 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York tiếp nối xu hướng tăng. Giá càphê Arabica giao tháng 7/2023 tăng thêm 5,35 xu lên 192,00 xu/lb và giá càphê Arabica giao tháng 9/2023 tăng thêm 5,05 xu lên 189,30 xu/lb (1lb = 0,45 kg). Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Giá càphê nhân xô ngày 20/05/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.600-1.800 đồng, lên dao động trong khung 58.800-59.800 đồng/kg.

Giá càphê kỳ hạn trở lại xu hướng tăng do có sự hỗ trợ của chỉ số đồng USD với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không chắc sẽ dừng tăng lãi suất đã kích thích các quỹ và đầu cơ quay lại tăng mua vì Brazil sẽ hạn chế bán càphê xuất khẩu khi đồng real tiếp tục mạnh lên, trong bối cảnh trần nợ công vẫn chưa đạt được thỏa thuận khiến chứng khoán Mỹ tiếp tục mất điểm và dòng vốn đầu cơ tiếp tục đổ về các sàn hàng hóa.

Thị trường càphê toàn cầu còn chịu tác động từ báo cáo khảo sát vụ mùa lần II của Conab-Brazil. Theo đó, Conab đã điều chỉnh dự báo sản lượng Brazil năm nay giảm 0,36% so với dự báo lần I, xuống ở mức 54,74 triệu bao, tuy nhiên con số sản lượng này vẫn còn cao hơn 7,50% so với của niên vụ càphê hiện tại 2022/2023 nhưng đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài và đẩy giá càphê tại thị trường nội địa các nước sản xuất lên cao.

Theo báo cáo hàng tuần của Safras & Mercados, tính đến nay nông dân Brazil đã thu hoạch xấp xỉ 10% sản lượng càphê vụ mới, đạt mức trung bình thu hoạch trong vòng 5 năm qua, nhờ thời tiết khá thuận lợi.

Trong khi đó, ICE-New York báo cáo tồn kho hơn 3 tháng qua đã không được bổ sung hạt cà phê nào.

Bích Hồng - Minh Hằng

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.