Giá dầu châu Á 'kẹt' giữa lo ngại về nhu cầu và căng thẳng về nguồn cung
Giá dầu Brent giao kỳ hạn gần như không đổi ở mức 79,63 USD/thùng vào lúc 15 giờ (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 10 xu Mỹ xuống 75,65 USD/thùng.
Nhà phân tích Leon Li của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết cùng với đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất lần cuối cùng trong năm nay tại cuộc họp tháng Bảy, những lo ngại rằng triển vọng nhu cầu năng lượng của Mỹ sẽ hạn chế đà tăng giá “vàng đen” vẫn còn.
Tuy nhiên, về mặt tích cực, các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc ngày 18/7 đã cam kết sẽ đưa ra các chính sách để "khôi phục và mở rộng" tiêu dùng. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu về dầu mỏ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Giám đốc nghiên cứu thị trường Bắc Mỹ của công ty dịch vụ ngành năng lượng Rystad Energy, ông Claudio Galimberti, nhận định tới hiện tại, miễn là thị trường tin tưởng rằng gói kích thích ở Trung Quốc sẽ thành công thì cán cân cung cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng đáng kể - ngay cả khi châu Âu rơi vào suy thoái nhẹ.
Về phía cung, số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy lượng dự trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của nước này đều giảm trong tuần trước.
Trong khi đó, Nga dự kiến sẽ giảm xuất khẩu dầu 2,1 triệu tấn trong quý III/2023. Điều này phù hợp với kế hoạch cắt giảm xuất khẩu tự nguyện 500.000 thùng mỗi ngày vào tháng Tám của Bộ Năng lượng Nga.