Giá cau non tăng, nông dân 'đổ xô' trồng xen vườn dừa
Chị Nguyễn Thị Hạnh, thị trấn Giồng Trôm cho hay, đang vào mùa thuận vụ nên năng suất cau đạt mức khá. Trung bình khoảng 20 ngày thương lái đến thu hái, mỗi đợt cho thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng. Theo chị Hạnh, thương lái tìm đến mua cau non, loại cau trái dài (người dân thường gọi cau ớt), còn loại cau trái tròn mua với giá rất rẻ, 3.000-4.000 đồng/kg.
Chị Hạnh chia sẻ, 3 năm trở lại đây giá cau non tăng mạnh vào mùa nghịch vụ, có lúc lên đến 50.000 đồng/kg mà không có cau để bán. Hiện nay chị Hạnh tiếp tục nhân giống cau để trồng xen với cây dừa, loại bỏ giống cau trái tròn không có giá trị để trồng loại giống cau trái dài.
Với giá cau tăng như hiện nay giúp nông dân tăng thêm thu nhập rất lớn trên cùng diện tích canh tác, mỗi năm thu nhập thêm từ 20-25 triệu đồng/ha. Hiện chị Hạnh đã trồng xen hơn 500 gốc cau trong vườn dừa, với giá cau tăng như hiện nay giúp nông dân tăng thêm thu nhập rất lớn trên cùng diện tích canh tác, mỗi năm thu nhập thêm từ 20-25 triệu đồng/ha.
Nhiều hộ dân đang "đổ xô" tìm mua cau giống để trồng, giá cau giống tăng lên 20.000 đồng/cây. Anh Nguyễn Văn Đạt, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm cho hay, trước đây, giá cau tăng mạnh anh Đạt cũng ươm cau giống để trồng. Tuy nhiên cau ra trái tròn, thương lái không thu mua. Hiện nay, giá cau giống tăng từ 8.000 đồng/cây lên đến 20.000 đồng/cây. Anh Đạt đang tìm mua giống cau đúng theo nhu cầu hiện nay để trồng.
Dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 885, khu vực huyện Giồng Trôm, nhiều đại lý thu mua cau non mọc lên, các điểm thu mua cau này sẽ tiến hành bỏ cuống, chỉ lấy trái đủ tiêu chuẩn để giao cho các đại lý lớn hoặc công ty đến thu mua.
Chị Trần Thị Thu, thương lái thu mua cau tại huyện Giồng Trôm cho hay, mỗi ngày trung bình thu mua 600-700 kg, có lúc thu mua trên 1 tấn, đặc biệt công ty chỉ thu mua cau non (loại cau trái dài), chị Thu lựa các loại cau khác nhau, cắt tỉa chỉ còn trái cau, thương lái lớn từ Tp. Hồ Chí Minh đến thu gom vào chiều mỗi ngày. Chị Thu cho hay, không biết thương lái thu mua cau non để làm gì chỉ nghe nói là để làm kẹo cau hoặc cau sấy khô xuất khẩu.
Nghề hái cau cũng đang được thanh niên lựa chọn, anh Nguyễn Văn Tính, xã Bình Hòa cho hay, giá cau tăng mạnh, sẵn biết trèo hái cau nên anh Tính tranh thủ lúc cau tăng giá để đi thu mua. Tiền công hái từ 7.000-8.000 đồng/kg. Anh Tính chia sẻ, hái cau tốn nhiều sức và rất nguy hiểm, nên ít người lựa chọn nghề này. Tuy nhiên hiện nay giá cau tăng mạnh, chi phí thu hái tăng nên có thể kiếm được 500.000 - 600.000 đồng/ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch Hội nông dân Tỉnh Bến Tre, cây cau chiếm ít diện tích nên được người dân chủ yếu trồng ở bờ rào hoặc xen kẽ trong vườn dừa, các vườn cây ăn trái để kiếm thêm thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.
Toàn tỉnh Bến Tre có diện tích trồng dừa hơn 78.000 ha và hơn 20.000 ha trồng cây ăn quả. Do đó có tiềm năng rất lớn để phát triển loại cây trồng xen này. Hiện ngành chức năng tăng cường hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác, giúp người dân chăm sóc cây cau cho trái nghịch vụ, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bàn khuyến cáo người dân cần cân nhắc khi mở rộng diện tích, đặc biệt là không bỏ hết cây trồng cũ để thay cây cau trồng chuyên canh; chỉ trồng xen cây cau với các loại cây trồng chính đồng thời, cần tìm hiểu thị trường tiêu thụ cau lâu dài, lựa chọn giống cau phù hợp, tránh việc "đổ xô" trồng một loạt không mang lại hiệu quả kinh tế.