|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giá Bitcoin giảm gần 2.000 USD trong vòng 3 ngày vì đồng tiền nhân bản của chính nó

16:44 | 12/11/2017
Chia sẻ
Vào lúc 16h20 ngày 11/11, giá của Bitcoin Cash vọt lên mức 1.870 USD, tăng 93% so với hôm trước, theo CoinMarketCap.

Mấy hôm trước, tranh cãi về kế hoạch nâng cấp Bitcoin không thể ngã ngũ do bất đồng giữa các nhà phát triển, thợ đào và người sử dụng Bitcoin. Bất đồng nội bộ của những người kiểm soát sự tồn tại của Bitcoin có thể dẫn đến việc đồng tiền ảo này tách thành hai phiên bản. Dù kết cục ấy chưa xảy ra, cuộc nội chiến giữa hai phe đã khiến các giao dịch gián đoạn, có khả năng gây tổn thất lớn cho người nắm giữ nó.

gia bitcoin lao doc manh vi dong tien nhan ban cua chinh no
Bitcoin Cash, đồng tiền nhân bản của Bitcoin, đang trở thành niềm hy vọng mới cho những người lo ngại cuộc nội chiến liên quan tới Bitcoin.

Trong bối cảnh ấy, sự ra đời của Bitcoin Cash, đồng tiền nhân bản của Bitcoin, hồi tháng 8 đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Giá của Bitcoin Cash tăng rất nhanh từ đó tới nay.

Vào lúc 16h20 ngày 11/11, giá của Bitcoin Cash vọt lên mức 1.870 USD, tăng 93% so với hôm trước, theo CoinMarketCap. Lương giao dịch đạt gần 16,8 triệu đơn vị, tương đương hơn 11,5 tỷ USD. Đây là mức tăng ngoạn mục, bởi vào lúc 10h40 hôm 11/11, giá của Bicoin Cash là 1.006 USD. Như vậy, giá Bitcoin Cash đã tăng 864 USD chỉ sau gần 6 giờ.

Ngược lại, sau đà tăng mạnh liên tiếp trong nhiều ngày, giá Bitcoin giảm sâu từ chiều hôm 10/11. Từ đỉnh 7.800 USD hôm 8/11, giá Bitcoin giảm xuống mức 5.839 USD vào lúc 16h20 hôm 11/11. Như vậy, giá Bitcoin giảm gần 2.000 USD chỉ sau gần ba ngày từ khi đạt đỉnh 8.000 USD.

Cội nguồn cuộc nội chiến Bitcoin

Hiện tại, chuỗi mã hóa của Bitcoin chỉ có thể xử lý một lượng thông tin nhất định. Nếu đặt quá nhiều ngôn ngữ kỹ thuật vào đó, hệ thống này sẽ sớm đạt tới giới hạn tối đa là 1 MB. Khi tạo ra Bitcoin, các nhà phát triển sử dụng phương thức này để bảo vệ nó trước tin tặc và các mối đe dọa an ninh mạng khác.

Tuy nhiên, khi số người hứng thú với Bitcoin tăng lên, thời gian để tiến hành một giao dịch bằng Bitcoin tăng rất nhiều. Morgan Stanley, ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Mỹ, cho rằng chính hiện tượng này khiến giao dịch Bitcoin trở nên tốn kém và không nhiều thương hiệu và các cửa hàng chấp nhận nó.

Giới quan sát nhận thấy Bitcoin đang ở thế tiến thoái lưỡng nan khi có quá nhiều người sử dụng mà lại có quá ít cửa hàng chấp nhận nó như một phương thức thanh toán. Vấn đề này cũng làm nảy sinh một cuộc nội chiến giữa những người muốn tăng kích thước của chuỗi mã hóa để tăng tốc độ giao dịch với những người muốn giữ nguyên nó vì lý do an ninh.

Những người ủng hộ chủ yếu là các thợ chuyên đào tiền ảo. Họ nghĩ việc này sẽ tạo cho họ lợi ích về mặt tài chính. Tuy nhiên, những người phản đối là “các nhà phát triển cốt lõi”. Họ cho rằng gia tăng kích thước của chuỗi mã hóa lên trên 1 MB có thể đe dọa toàn bộ mạng lưới.

Một giải pháp thay thế - mang tên SegWit - là cho phép chuyển một số hoạt động trên chuỗi mã hóa Bitcoin ra các mạng lưới bên ngoài. Tuy nhiên, nó có thể làm giảm năng suất của các thợ mỏ, phần lớn là ở Trung Quốc, những người đầu tư hàng triệu USD vào các trang trại cày Bitcoin khổng lồ.

Trong quá trình tìm tiếng nói chung, các nhà phát triển và đại diện các thợ mỏ đã đề xuất ra cái gọi là SegWit2X, trong đó đẩy ngưỡng thực hiện SegWit xuống 80% đồng thời làm tăng kích thước chuỗi mã hóa lên 2 MB. Tuy nhiên, một số người vẫn lo ngại khả năng thế giới Bitcoin chia rẽ, tạo ra hai đồng tiền ảo Bitcoin trở lên.

Kim Cương/Forbes