|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gần 52 tỷ đồng Licogi nhận cổ tức năm 2015 không biết quyết toán vào đâu?

17:20 | 03/05/2017
Chia sẻ
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước về một số vướng mắc khi quyết toán vốn nhà nước bàn giao tại Tổng công ty Licogi.
bo xay dung muon lam ro viec quyet toan gan 52 ty dong co tuc licogi nhan nam 2015
Ảnh chụp từ website Licogi

Về khoản tiền gần 52 tỷ đồng nhận cổ tức năm 2015

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tại thời điểm 1/1/2016 - Licogi chính thức chuyển thành công ty cổ phần, Licogi chưa ghi nhận doanh thu tài chính đối với khoản cổ tức đầu tư tại các công ty cổ phần khác do các công ty này chưa có Nghị quyết ĐHCĐ về việc chi trả.

Đến thời điểm thực hiện kiểm toán, Licogi đã nhận được thông báo trả cổ tức năm 2015 của các đơn vị nhận góp vốn. Giá trị cổ tức đạt 51,598 tỷ đồng. Đây là số tiền cổ tức được chi trả cho chủ sở hữu cổ phần năm 2015, khi Licogi vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Theo quy định tại Thông tư 127 Bộ Tài chính, “Đối với khoản lợi nhuận sau thuế, cổ tức được chia từ hoạt động đầu tư tài chính (đã có Nghị quyết của ĐHCĐ, Hội đồng thành viên tại tổ chức nhận góp vốn), đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần mà vẫn chưa thu được tiền thì doanh nghiệp thực hiện ghi tăng doanh thu hoạt động tài chính đồng thời ghi tăng nợ phải thu, nếu sử dụng để tăng vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác thì ghi tăng giá trị khoản đầu tư tài chính”.

Như vậy Thông tư này mới chỉ có hướng dẫn việc ghi nhận tăng doanh thu tài chính đối với các khoản cổ tức được chia từ hoạt động tài chính khi đã có Nghị quyết của ĐHCĐ. Thông tư chưa có hướng dẫn đối với trường hợp các khoản cổ tức chưa có Nghị quyết của ĐHCĐ nhưng vẫn do doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần để ghi nhận doanh thu tài chính tại thời điểm bàn giao.

Soi theo Thông tư số 127, Bộ Xây dựng cho rằng, về bản chất, cổ tức này vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong trường hợp đến thời điểm thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao. Ngoài ra, các công ty nhận góp vốn đã có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông xác định chính xác số cổ tức năm 2015 mà cổ đông Licogi được hưởng.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể và làm rõ khoản cổ tức này được xác định vào vốn nhà nước như thế nào khi thực hiện quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm chính thức bàn giao doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Về khoản chi phí cơ hội tại Dự án Khu ĐTM Thịnh Liệt

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai được UBND TP Hà Nội giao cho Licogi làm chủ đầu tư năm 2003 và được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư năm 2005.

Năm 2007, UBND thành phố cho phép Licogi sử dụng chính thức 351.618 m2 đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai để thực hiện dự án.

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (ngày 1/1/2013), dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đền bù giải phóng mặt bằng được 70% diện tích của toàn dự án, tổng giá trị đầu tư 284,6 tỷ đồng.

Tại thời điểm này, dự án chưa được bàn giao đất tại thực địa, chưa có thông báo chính thức về nộp tiền sử dụng đất của UBND thành phố nên Bộ Xây dựng chưa thực hiện đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất đối với dự án này. Giá trị doanh nghiệp mới chỉ ghi nhận chi phí đầu tư dở dang của dự án.

Ngày 25/9/2014, Licogi đã ký với Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông hợp đồng nguyên tắc hợp tác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thịnh Liệt. Trong đó Hợp đồng xác định chi phí cơ hội được tính trên tổng diện tích đất được phép kinh doanh (trừ lô CT7), do các bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá trị 348,885 tỷ đồng và sẽ được xác định thực tế trên cơ sở kết quả định giá của tư vấn độc lập, nhưng không cao hơn 110% giá trị này.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông đã chuyển cho Licogi số tiền 60 tỷ đồng để đặt cọc cho khoản chi phí cơ hội trên.

Nội dung hợp đồng hợp tác đầu tư trên chưa được Kiểm toán Nhà nước đề cập trong Báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính làm cơ sở để xem xét, thẩm định giá trị vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao.

Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, khoản chi phí cơ hội này được hình thành dựa trên những lợi thế hiện có của dự án (do đơn vị tư vấn định giá xác định), là chi phí để Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông được quyền tham gia hợp tác đầu tư dự án và phát sinh tại thời điểm Licogi là doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, để đảm bảo lợi ích của nhà nước Bộ Xây dựng thấy rằng cần phải xác định chính xác khoản thu nhập này và ghi nhận vào vốn nhà nước tại chính thức thời điểm bàn giao Licogi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Khổng Chiêm

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.