Gần 2.000 ha đất bỏ hoang tại Mê Linh: Nhà đầu tư lao đao
Nhiều dự án tại Mê Linh rơi vào trạng thái mất thanh khoản do giá bất động sản giảm sâu trong thời gian dài.
Bị cuốn theo cơn “sốt đất” của thị trường bất động sản thời điểm 2009, chị Hoàng Thị Hoài Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng một số khách hàng khác đã tham gia hợp đồng góp vốn tại các dự án khu đô thị trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội.
Chờ trong vô vọng
Chị Thu cho biết, tháng 1/2010 chị ký hợp đồng góp vốn tại lô đất có diện tích 112m2 thuộc dự án Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp xã Tiền Phong, huyện Mê Linh; chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển 18 (CID 18). Mức giá giao dịch trên hợp đồng là 5 triệu đồng/m2, ngoài ra chị Thu phải nộp tiền chênh lệch là 5 triệu/m2 (tổng số tiền chênh lệch của lô đất là 560 triệu chị Thu phải nộp ngay thời điểm ký hợp đồng).
Dự án thực hiện gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất; giai đoạn 2 là góp vốn xây dựng công trình trên đất, nhà xây thô, hàng rào và cổng.
Theo nội dung hợp đồng, trong giai đoạn I chị Thu đã thanh toán 4 lần (theo thông báo của chủ đầu tư), tương đương 85% giá trị lô đất. Số tiền 15% còn lại chị Thu và các khách hàng khác sẽ đóng nốt khi chủ đầu tư chính thức bàn giao mốc giới lô đất có cơ sở hạ tầng cho bên B (Thời gian hoàn tất cơ sở hạ tầng là 210 ngày kể từ ngày ký hợp đồng góp vốn – hợp đồng ghi rõ).
Trong hợp đồng cũng thể hiện rõ: “Bên A được nhận vốn góp từ bên B và sử dụng đúng mục đích là đầu tư vào khu đất thuộc Dự án trên với tiến độ thi công hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật vào cuối quý IV năm 2010 (giai đoạn I); nhà xây thô, cổng và hàng rào hoàn thành vào quý IV năm 2011 (giai đoạn II)”.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 9 năm trôi qua kể từ thời điểm ký hợp đồng, chị Thu và hàng trăm khách hàng khác vẫn trong cảnh chờ đợi chủ đầu tư hoàn thành giai đoạn I.
Bức xúc chưa dừng lại ở đó, chị Nguyễn Thị Thảo (Mê Linh) - một khách hàng khác cho biết, thời điểm chị ký hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển 18 (CID 18). Nhưng đến thời điểm cuối năm 2018 chị Thảo cùng các khách hàng tại đây nhận được thông báo dự án trên đã chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng.
“Thời điểm tháng 12/2018, chúng tôi nhận được giấy mời họp của chủ đầu tư, trong buổi họp này tôi mới biết dự án trên đã được CID 18 sang nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng".
“Việc chuyển nhượng dự án giữa 2 đơn vị trên chúng tôi không hề biết họ chuyển nhượng cho nhau như thế nào, ai là người có trách nhiệm với khách hàng, bởi chúng tôi đã đóng tiền 4 đợt với số tiền không hề nhỏ”, chị Thảo cho biết.
Cũng theo thông tin từ những người tham gia hợp đồng góp vốn tại dự án, khi được hỏi về tiến độ thi công thì đại diện chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng cho biết, do một số dự án bên cạnh đang có sự điều chỉnh nên dự án do CID 18 (cũ) và hiện nay Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng (mới) làm chủ đầu tư sẽ cần có thêm thời gian để điều chỉnh phù hợp.
“Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với cách lý giải trên, lý do chủ đầu tư đưa ra chỉ là cớ để tiếp tục trì hoãn thực hiện dự án. Khách hàng đã chịu thiệt hại quá nhiều, rất mong chính quyền và các cơ quan chức năng chỉ đạo, sớm giải quyết dứt điểm sự việc trên”, chị Thu nói thêm.
Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có gần 60 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Hầu hết các dự án đều được phê duyệt ngay trước thời điểm Mê Linh được hợp nhất về Hà Nội (1/8/2008), thời điểm thị trường bất động sản đang trong “cơn sốt”, với lợi thế là một huyện ngoại thành nằm sát trung tâm Thủ đô, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, ngay lập tức bất động sản tại Mê Linh đã tạo được sức hút với giới đầu tư.
Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng chia lô, bán nền và huy động vốn góp từ các nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng cho dù dự án mới đang trong giai đoạn GPMB.
Tuy nhiên, “cơn sốt” kéo dài không lâu, thị trường bất động sản bắt đầu đóng băng, giá đất tại Mê Linh tụt dốc nhanh chóng, nhiều dự án rơi vào trạng thái mất thanh khoản do giá bất động sản giảm sâu trong thời gian dài. Đến nay trên địa bàn huyện có 47 dự án chậm triển khai, trong số đó có các dự án như: Dự án Cenco5; KĐT AIC; Minh Giang - Đầm Và; KĐT mới Hà Phong…
Để thực hiện quyền lợi cho các khách hàng, nhà đầu tư, ông Bùi Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết lãnh đạo huyện đã yêu cầu từng doanh nghiệp, chủ đầu tư làm báo cáo về 5 vấn đề: Quy hoạch, đất đai, GPMB, thủ tục đầu tư, tiến độ dự án.
"Căn cứ vào lộ trình tiến độ huyện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc giúp các chủ đầu tư. Nếu đúng thời hạn đã báo cáo, chủ đầu tư không thực hiện được huyện sẽ đề nghị thành phố xử lý đúng theo quy định của Luật Đất đai" - ông Quang khẳng định.
Kỳ III: Hệ luỵ “đón sóng”