Gần 1.100 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn Nha Trang - Sài Gòn
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh (đường sắt Bắc – Nam) đoạn Nha Trang - Sài Gòn đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, nguồn vốn trung hạn 2021-2015.
Dự án nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn cùng với 2 dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang vừa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và các dự án thuộc gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020 (đã triển khai) là nhằm thực hiện Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải cũng như thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, sau các dự án này sẽ cần có các dự án nâng cấp tiếp theo để hiện đại hóa tuyến, từ hạ tầng đến phương tiện, sức kéo, thông tin tín hiệu...
Phạm vi đầu tư dự án trong khu đoạn đường sắt Nha Trang - Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 411km; điểm đầu tại ga Nha Trang (Km1314+930), điểm cuối tại ga Sài Gòn (Km1726+200). Tiến độ thực hiện dự án: Từ năm 2022 đến năm 2025.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án: Năm 2022 khoảng 80 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 350 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 400 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 269 tỷ đồng.
Về quy mô đầu tư, sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000mm với các hạng mục: Cải tạo các cầu yếu; Cải tạo kiến trúc tầng trên và một số hạng mục công trình đồng bộ (hệ thống thoát nước); Cải tạo, sửa chữa, xây mới một số ga hành khách và hàng hóa.
Dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục. Trong đó, cải tạo, nâng cấp 4 cầu yếu; Cải tạo, sửa chữa ga hàng Sóng Thần nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải của ga đến năm 2030 đạt công suất xếp dỡ hàng hóa đạt khoảng 2,1 triệu tấn/năm; cải dịch đường sắt số 60 ga hành khách Dĩ An, đồng thời xây mới nhà ga.
Trong bước triển khai tiếp theo, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị có liên quan thực hiện đầy đủ công tác khảo sát về địa hình, địa chất, thủy văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải, cấp đường và cự ly vận chuyển, hiện trạng công trình sửa chữa...
Thực hiện lập, tổ chức thi công các công trình trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác phải đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu.
“Rà soát, cân đối nguồn vốn để xem xét bổ sung đầu tư một số ga trong phạm vi các khu gian cải tạo nâng cấp kiến trúc tầng trên để cải tạo, sửa chữa đường ga, ghi, kiến trúc tầng trên bằng vật tư tận dụng được thay ra từ chính tuyến đảm bảo hiệu quả đầu tư và khai thác đồng bộ”, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.
Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh cũng sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp ga hàng hóa Sóng Thần và ga hành khách Dĩ An.
Cụ thể, với ga Dĩ An, cải dịch đường sắt số 60 về phía đường chính tuyến đảm bảo khoảng cách tim đường chính tuyến tối thiểu 4,1m; Cải tạo kiến trúc tầng trên, nền đường, thoát nước đã hư hỏng trong ga.
Xây mới nhà ga hành khách 2 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 386m2, bao gồm đầy đủ các phòng chức năng,phòng đợi tàu và các công trình phụ trợ đồng bộ như hệ thống ke ga, mái che ke ga, sân ga...
Với ga Sóng Thần, kéo dài đường sắt, cải tạo bình diện đường sắt bãi hàng Sóng Thần; Đặt mới 2 đường xếp dỡ bãi hàng An Bình. Cải tạo các bãi hàng hiện hữu và xây mới một bãi hàng phục vụ xếp dỡ hàng rời, hàng hỗn hợp; Cải tạo, xây mới đường bộ vào bãi hàng; cải tạo 5 kho hàng hiện hữu...