Ford mở rộng đầu tư, 'tham chiến' lĩnh vực xe đạp điện
Lắp ráp động cơ ô tô tại Công ty TNHH Ford Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Ông lớn xe Mỹ “chốt hạ” kế hoạch mở rộng đầu tư
Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng, thông tin Ford sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam đã chính thức được xác nhận.
Ngày 19/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng đã ký Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Sản xuất và Lắp ráp ô tô của Công ty TNHH Ford Việt Nam.
Theo Quyết định, Ford sẽ đầu tư thêm 82 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 184,7 triệu USD, để mở rộng sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương. Cụ thể, thêm khoản đầu tư mới, Ford sẽ nâng công suất nhà máy từ 14.000 xe/năm hiện tại lên 40.000 xe/năm.
Ngoài gia tăng công suất, trong Quyết định chủ trương đầu tư, Ford Việt Nam cũng sẽ nhập khẩu các loại xe ô tô nguyên chiếc và linh, phụ kiện ô tô để bán cho các thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó. Ford Việt Nam cũng sẽ chịu trách nhiệm phân phối các loại xe và linh, phụ kiện ô tô nhập khẩu, xuất khẩu các loại ô tô nguyên chiếc sản xuất tại Việt Nam…
Một điểm đặc biệt trong văn bản này là Ford sẽ sản xuất xe đạp điện nhãn hiệu “Think” tại thị trường Việt Nam, quy mô 5.000 xe/năm. Chưa rõ loại xe đạp điện mà Ford dự định sản xuất tại Việt Nam là xe gì, nhưng đây rõ ràng là một động thái khá quan trọng, cho thấy ông lớn ô tô của Mỹ sẽ chính thức “tham chiến” ở một lĩnh vực mới.
Thời gian gần đây, trong khi nhiều nhà sản xuất ô tô, như General Motor, công bố sản xuất xe đạp điện, thì Ford gần như không cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến vấn đề này, ngoại trừ những thông tin được đưa ra cách đây hơn 4 năm.
Thời điểm đó (đầu năm 2015), Ford đã bất ngờ giới thiệu 2 mẫu xe đạp điện bản concept tại triển lãm di động lớn nhất thế giới MWC ở Tây Ban Nha. Cả hai mẫu xe được giới thiệu, gồm MoDe:Pro và MoDe:Me, đều trang bị một số đặc tính thông minh có thể kết nối với iPhone 6.
Nghĩa là, thị trường sẽ còn phải chờ đợi để biết, Ford sẽ sản xuất xe đạp điện gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi sẽ không quá lâu, bởi theo kế hoạch, sau khi được chấp thuận về chủ trương đầu tư, các bên sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư để sớm triển khai xây dựng phần đầu tư mở rộng.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn I, Ford Việt Nam sẽ đưa các hạng mục công trình và máy móc, thiết bị vào sử dụng trong quý II/2020; giai đoạn II, dấu mốc được tính từ quý II/2022.
“Tiếp sức” cho công nghiệp ô tô Việt Nam
Như vậy, sau giai đoạn “làm mình làm mẩy”, lên tiếng muốn rút khỏi Việt Nam, lần lượt, các “ông lớn” ô tô đã đều có các kế hoạch mở rộng đầu tư tại thị trường này.
Năm ngoái, Toyota Việt Nam (TMV) đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam lên 90.000 xe/năm. Trong khi đó, Hyundai “nhấn ga” với nhà máy ở Ninh Bình, công suất 200.000 xe/năm. Còn Mitsubishi cũng tuyên bố xây dựng nhà máy lắp ráp thứ hai tại Long An, công suất lên tới 50.000 xe/năm.
Ngoài các tên tuổi trên, VinFast và Thaco cũng đều không ngừng mở rộng sản xuất.
Tăng trưởng doanh thu bán hàng và sự kiên định của Chính phủ Việt Nam trong việc ủng hộ sản xuất ô tô trong nước là lý do chính thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô, trong đó có Ford, triển khai các kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trong hơn 20 năm qua, Ford đã kinh doanh rất thành công tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, kể từ cuối năm 2018 tới nay, lượng xe bán ra của Ford luôn ở mức tăng kỷ lục. Chỉ trong quý I năm nay, tổng doanh số bán xe của hãng đã đạt 7.501 chiếc, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý II, doanh số bán xe của Ford thậm chí đã tăng tới 91% so với cùng kỳ năm ngoái, với 7.960 xe. Còn quý III, mức tăng trưởng là 55,4%, tương đương 7.859 xe.
Được thành lập vào tháng 9/1995, Ford Việt Nam là liên doanh giữa Tập đoàn ô tô Ford của Mỹ (75%) và Công ty Diesel Sông Công (25%). Trụ sở Công ty đặt tại tỉnh Hải Dương. Nhà máy Ford Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11/1997, với công suất hai ca là 14.000 xe/năm.
Trong các dòng xe của Ford, thì Ford Ranger, Explorer và Transit tiếp tục dẫn đầu phân khúc tương ứng, đóng góp đáng kể vào doanh số bán hàng trên toàn bộ dòng sản phẩm của Ford tại Việt Nam, với 23.320 xe được bán ra kể từ đầu năm tới hết quý III, đạt mức tăng trưởng 59,3%.
Đặc biệt, Ford Ranger bán chạy không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà cả ở thị trường nước ngoài. Thông tin cho biết, việc doanh số của Ford Ranger đạt mức kỷ lục khiến Ford quyết định bổ sung thêm ca thứ ba tại nhà máy lắp ráp Silverton ở Nam Phi. Và bây giờ là kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Thẩm định cho kế hoạch mở rộng đầu tư của Ford tại Việt Nam, các sở, ngành chức năng của tỉnh đều ủng hộ. Tuy nhiên, một số vấn đề về môi trường, hay năng lực tài chính để mở rộng đầu tư cũng được nhấn mạnh.
Theo Sở Tài chính Hải Dương, tình hình tài chính của nhà đầu tư cơ bản đảm bảo để điều chỉnh mở rộng dự án. Tuy nhiên, để tăng tính khả thi nguồn vốn điều chỉnh, nhà đầu tư cần phân định rõ số tiền để mở rộng hoạt động đầu tư với số tiền để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh…
Trong khi đó, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ford Việt Nam hoạt động ổn định và hiệu quả, hàng năm, lợi nhuận sau thuế đạt trên 1.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 700 lao động tại địa phương, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, với khoảng trên 4.000 tỷ đồng/năm (trong đó trên 2.000 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh).
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, với việc mở rộng đầu tư, Ford Việt Nam sẽ tiếp tục tạo thêm việc làm cho người lao động, đóng góp thêm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hơn nữa, dự án xây dựng mở rộng trên phần diện tích đất còn lại của 30 ha đã được UBND tỉnh cho thuê, nên “tiết kiệm, tạo hiệu quả sử dụng đất”.