|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

FDA được đề nghị tiếp tục vai trò thanh tra cá tra Việt Nam

20:41 | 30/05/2017
Chia sẻ
Do  bị cắt giảm ngân sách nên trong bản tóm tắt kế hoạch ngân sách 2018 của mình, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) muốn Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tiếp tục là cơ quan thanh tra, kiểm tra cá tra của Việt Nam như lâu nay.
fda duoc de nghi tiep tuc vai tro thanh tra ca tra viet nam
Chế biến cá tra tại một nhà máy thủy sản. (Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Theo kế hoạch, sau thời điểm 1-9-2017, đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, USDA sẽ làm thay công việc này của FDA kiểm tra tất cả các khâu của chuỗi sản xuất ở Việt Nam, từ khi ươm trứng cho đến sản phẩm đóng gói cuối cùng. Cũng từ thời điểm này, cá tra Việt Nam, tên gọi thương mại là tra fish tại thị trường Mỹ sẽ chuyển sang tên mới là catfish. Tuy nhiên, do ngân sách 2018 giảm so với 2017 nên USDA muốn FDA tiếp tục đảm trách như lâu nay.

Đây là thông tin được USDA đưa ra trong bản tóm tắt ngân sách 2018 dài 104 trang của USDA vừa được công bố.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiệp hội đã biết thông tin nói trên nhưng đang tìm hiểu sâu hơn về những quy định trong việc thông qua ngân sách của Chính phủ Mỹ.

Ông Hòe cho hay, USDA mới chỉ đề nghị để FDA tiếp tục phụ trách các khâu kiểm tra chuỗi sản xuất cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn phải đợi cho đến khi mọi việc rõ ràng.

“Hiện chúng tôi đã liên lạc với những bên có liên quan để tìm hiểu rõ hơn trước khi biết chuyện gì thực sự xảy ra sau động thái này”, ông Hòe nói.

Theo VASEP, hiện phía Việt Nam đang làm những thủ tục cần thiết để gửi cho phía Mỹ công nhận việc nuôi trồng, chế biến, sản xuất cá tra của Việt Nam tương đương với ngành sản xuất, chế biến cá da trơn của Mỹ. Trong trường hợp UDSA công nhận cá tra Việt Nam tương đương thì việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ bình thường như lâu nay.

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhiều năm qua đã quen với những chương trình, hoạt động FDA nên việc cơ quan này tiếp tục làm công việc thanh tra, kiểm tra sản phẩm cá tra ở một khía cạnh nào đó sẽ dễ dàng hơn, ít nhất là ở khâu thủ tục giấy tờ.

Liên quan đến việc cắt giảm ngân sách, ngoài việc USDA muốn chuyển một số công việc cho những bên có liên quan để tránh chồng chéo lãng phí, bộ này cũng có kế hoạch cắt giảm khoảng gần 5.300 nhân viên trong thời gian tới nhằm tinh giảm bộ máy.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam là 1,66 tỉ đô la Mỹ; trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất khi chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, sang năm 2017, Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam nữa. Theo VASEP, quí 1-2017, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ chỉ đạt giá trị 61 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 24% so với cùng kỳ. Lý do giảm là do thuế chống bán phá giá cao và hàng rào kỹ thuật của thị trường Mỹ áp lên cá tra Việt Nam.

Hiện có 15 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ nhưng chỉ có khoảng 2-3 doanh nghiệp trong số này xuất khẩu thường xuyên.

Ngọc Hùng