FAO: Giá thực phẩm ổn định trong tháng 12/2018
Chỉ số này cho biết sự biến động hàng tháng của một giỏ hàng hóa trên thị trường thế giới, đạt trung bình 168,4 điểm trong cả năm 2018, giảm 3,5% so với năm 2017 và gần 27% so với mức cao năm 2011.
Mặc dù giá đa số các loại ngũ cốc đều tăng trong năm qua, giá các mặt hàng theo dõi khác đều giảm, trong đó đường giảm giá mạnh nhất.
Chỉ số giá ngũ cốc tăng 1,8% so với tháng 11 và tăng 9,6% so với tháng 12/2017. Giá lúa mỳ và ngô tăng trong tháng qua do ảnh hưởng thời tiết ở bán cầu nam, trong khi giá gạo giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Phần lớn các dự báo gần đây của FAO đều dự đoán sản lượng lúa mỳ và ngô giảm trong năm 2018 trong khi sản lượng gạo lại lập kỷ lục mới. Các nhà cung cấp ngũ cốc thiết yếu thế giới đều đang có nguồn cung dồi dào.
Chỉ số giá dầu thực vật tăng 0,4% trong tháng 12/2018, chấm dứt chuỗi 10 tháng liên tiếp giá giảm, do giá dầu cọ hồi phục. Giá dầu đậu nành tiếp tục xu hướng giảm do nguồn cung dư thừa ở Mỹ và nhu cầu tiêu thụ yếu ở EU. Chỉ số phụ đạt trung bình giảm 15% trong năm 2018, do giá dầu cọ giảm mạnh.
Chỉ số giá thịt tăng 0,8% trong tháng 12, do sự hồi phục của giá thịt lợn nhờ nhu cầu nhập khẩu mạnh, đặc biệt từ Braxin. Chỉ số giá thịt giảm 2,2% so với mức trung bình hàng năm.
Chỉ số giá sữa giảm 3,3% so với tháng 11, đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp giảm giá, dẫn dầu là bơ, pho mát và sữa bột nguyên kem. Chỉ số giá sữa giảm 4,6% so với năm 2017 do giá tất cả các mặt hàng làm từ sữa giảm trong nửa cuối năm 2018.
Chỉ số giá đường giảm 1,9% trong tháng qua một phần do tăng trưởng sản xuất đường tăng nhanh ở Ấn Độ và một phần do giá dầu thô thế giới giảm dẫn đến nhu cầu sử dụng mía để sản xuất ethanol trong khi thúc đẩy nguồn cung để sản xuất đường, đặc biệt là từ Braxin – nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Tính chung cả năm 2018, chỉ số giá đường giảm gần 22% so với năm 2017.