Facebook độc quyền Ngoại hạng Anh: Người Việt hết được xem trên tivi?
Facebook bị cổ đông kiện sau cú giảm sốc 120 tỷ USD vốn hóa |
Facebook đã bỏ 264 triệu USD để sở hữu độc quyền bản quyền phát sóng giải đấu bóng đá đắt đỏ nhất hành tinh Ngoại hạng Anh (EPL) gồm 1.140 trận cho 3 mùa từ 8/2019 - 8/2022 tại 4 quốc gia Đông Nam Á là: Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia. Facebook được cho là đã chi 100 triệu USD để sở hữu độc quyền EPL tại Việt Nam, cao hơn 2,3 lần số tiền K+ đã phải bỏ ra cách đây 3 năm để mua gói độc quyền EPL mùa giải 2016/2019.
Sau khi thông tin Facebook mua độc quyền EPL tại Việt Nam được phát ra, một số đơn vị truyền hình trả tiền của Việt Nam bắt đầu đứng ngồi không yên. Khi Facebook độc quyền Ngoại hạng Anh thì điều gì sẽ xảy ra ở Việt Nam và bức tranh bản quyền EPL ở Việt Nam sẽ thay đổi thế nào?
Người dùng sẽ không còn được xem EPL trên tivi
Theo phân tích của ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, nếu Facebook phát miễn phí Ngoại hạng Anh trên Facebook thì người dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi vì số lượng người Việt online Facebook cả ngày lẫn đêm khá lớn. Riêng mục vào Facebook trên các dòng Smart TV chưa thực sự tốt bằng YouTube nên trải nghiệm trên tivi vẫn chưa thực sự đạt chất lượng tốt cho người xem bóng đá. Như vậy, việc xem EPL có thể phải chuyển dần từ màn hình lớn sang màn hình bé, thay thế vào đó là xem trên máy tính hoặc điện thoại, điều này khiến người xem rất chán. Hoặc Facebook video trên smarttv khi có một lượng user lớn cài đặt thì nâng cấp dần lên.
Cũng theo nhận định của ông Phan Thanh Giản, hiện nay người dùng Việt Nam phải sử dụng thuê bao truyền hình trả tiền mới có thể xem được EPL (trừ HTV có phát miễn phí một số trận của gói không độc quyền). Nhưng Facebook nhiều khả năng đến 99% sẽ phát miễn phí vì mô hình kinh doanh của Facebook là thu tiền từ các nhà quảng cáo. Do đó, việc phát miễn phí EPL sẽ kéo càng nhiều user chất lượng thì càng có nhiều nhãn hàng chất lượng chi tiền quảng cáo cho Facebook.
Nhà mạng chắc chắn là có lợi vì lưu lượng băng thông sẽ tăng cao cùng với việc nâng cấp server, băng thông của Facebook... Tuy nhiên, người dùng sẽ phải chấp nhận xem với công nghệ OTT cho phát trực tiếp, đó chính là độ trễ và độ giật lag. Khi đó, khán giả sẽ không còn so sánh dịch vụ nào nhanh, dịch vụ nào chậm vì chỉ có mỗi Faecbook phát trên OTT. Mà chuyện giật lag trên OTT là không tránh khỏi, ngay cả Amazon còn "chết" khi ra mắt chương trình giảm giá nên chuyện các công ty công nghệ khác bị dính lỗi giật, lag khi có nhiều người truy cập cùng lúc là điều chắc chắn xảy ra.
Facebook có phải tuân thủ quy định về Việt hóa nội dung EPL?
Một khía cạnh quan trọng hơn cả là về mặt quản lý nội dung các chương trình truyền hình phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định về quản lý phát thanh truyền hình, một nội dung như EPL muốn được phát sóng trên các hệ thống truyền hình tại Việt Nam thì phải tuân thủ quy định về kiểm duyệt nội dung, được Việt hóa bởi một cơ quan báo chí được chỉ định, phải có các chương trình bình luận tiếng Việt đi kèm... như khán giả Việt Nam vẫn được thưởng thức các giải đấu bóng đá quốc tế bấy lâu nay.
Trong các buổi làm việc với Chính phủ Việt Nam thời gian gần đây, đại diện Facebook luôn đưa ra cam kết sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện quy định của pháp luật.
Do đó, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, đối với gói bản quyền EPL khả năng cao Facebook sẽ không phân phối cho các đài truyền hình, như vậy toàn bộ các đài truyền hình đang có quyền EPL trước đây như K+, HTV, SCTV, VTVcab sẽ không có lại. Nếu không phân phối lại cho các nhà đài Việt Nam thì Facebook sẽ vi phạm các quy định về quản lý nội dung phát sóng vào Việt Nam.
Do đó, phương án mà một số đơn vị truyền hình đặt ra trong lúc này là Facebook phải ngồi lại với các nhà đài trong nước và Bộ TT&TT để tìm phương án khai thác gói bản quyền đắt đỏ EPL theo hướng có lợi cho cả ba bên: người dùng, Facebook và các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trong nước.
Đối với gói bản quyền Ngoại hạng Anh mùa giải 2016/2019, K+ đang sở hữu gói độc quyền mùa giải 2018/2019. Ba đơn vị SCTV, VTVcab, HTV sở hữu gói không độc quyền mùa 2018/2019. Facebook độc quyền 3 mùa giải 2019/2022. |