|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

EVNFinance miễn nhiệm hai phó tổng trong chưa đầy một tháng

21:45 | 01/04/2024
Chia sẻ
Hai Phó Tổng Giám đốc của EVNFinance đã xin từ nhiệm trong tháng 3 và đầu tháng 4.

HĐQT Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance - Mã: EVF) vừa có thông báo quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Hoàng Thế Hưng kể từ ngày 1/4. Ông Hưng xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Ông Hoàng Thế Hưng. (Ảnh: EVNFinance).

Ông Hưng sinh năm 1981, trình độ Kỹ sư Công nghệ thông tin - Đại học Bách Khoa, Thạc sĩ Khoa học Máy tính - Đại học Nottingham Vương quốc Anh.

Ông Hưng đã có 20 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và từng giữ vai trò quản lý, điều hành cấp cao tại nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội trước khi gia nhập EVNFinance vào tháng 6/2020 với cương vị Phó Tổng Giám đốc.

Đầu tháng 3, ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn cũng xin rút khỏi ghế Phó Tổng Giám đốc. Ông Nhơn công tác tại EVNFinance từ năm 2020, với cương vị Giám đốc Chi nhánh TP HCM và được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc EVNFinance từ tháng 2/2023. 

ĐHĐCĐ thường niên của EVNFinance đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 lợi nhuận trước thuế là 585 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện 2023, mục tiêu tổng tài sản đạt 54.500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng được thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%. Số cổ phiếu phát hành để chi trả cổ tức dự kiến là 56,33 triệu cổ phần. 

Bên cạnh đó, EVNFinance dự kiến phát hành thêm 7,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Sau hai đợt phát hành này, vốn điều lệ của EVNFinance sẽ tăng lên gần 7.681 tỷ đồng.

Trong năm 2023, EVNFinance đã hoàn thành mục tiêu quan trọng là tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 7.042 tỷ đồng và lần đầu ghi nhận có thặng dư vốn cổ phần, đạt 350,5 tỷ đồng. 

HK

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.