Eurozone rơi vào đợt suy thoái thứ hai trong chưa đầy một năm
Triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 chậm so với kế hoạch và các biện pháp cách ly chống dịch được cho là nguyên nhân ngăn chặn đà phục hồi của khu vực gồm 19 nước thành viên này.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong quý I năm nay, sản lượng kinh tế của Eurozone giảm 0,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tuy giảm từ 8,2% trong tháng 2 xuống 8,1% trong tháng 3/2021, nhưng vẫn cao hơn mức 7,1% của tháng Ba năm ngoái.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát gần chạm ngưỡng mục tiêu. Trong số các nước trong khu vực, nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức suy giảm tới 1,7% trong quý đầu tiên của năm 2021, phần lớn do tác động của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nhiều nước thành viên Eurozone vẫn tin rằng cuộc suy thoái kép hiện nay sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhất là khi các cuộc khảo sát gần đây cho thấy khu vực sản xuất đang phát triển mạnh trở lại.
Bên cạnh đó, với việc các nước châu Âu khởi động lại chiến dịch tiêm chủng, nhu cầu chi tiêu dự kiến sẽ bùng nổ sau thời gian dài bị "dồn nén" do các biện pháp phong tỏa vì đại dịch và kế hoạch phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) dần đi vào quỹ đạo sẽ tạo động lực để Eurozone dần phục hồi trở lại, qua đó tạo lực đẩy cần thiết cho các quốc gia Nam Âu vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch như Italy (I-ta-li-a) hoặc Tây Ban Nha.