|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

EU cảnh báo nhiều nước thành viên có thể vi phạm quy tắc tài chính

20:47 | 22/10/2019
Chia sẻ
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ cũng đã nhận được thư cảnh báo của EC về các vấn đề liên quan đến dự thảo ngân sách của mình.
EU cảnh báo nhiều nước thành viên có thể vi phạm quy tắc tài chính - Ảnh 1.

Đồng euro. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo cơ quan này đã gửi cảnh báo tới một loạt nước thành viên gồm Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ về việc các nước này có nguy cơ vi phạm quy tắc tài chính của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến dự thảo ngân sách năm 2020.

Trong thông báo ngày 22/10, EC cho biết cơ quan này đã gửi thư tới Bộ Tài chính Italy và Pháp, yêu cầu hai nước này trong ngày 23/10 phải làm rõ các nội dung trong dự thảo ngân sách năm 2020 mà hai nước đã đệ trình.

Trong thư gửi Bộ Tài chính Italy, EC nêu rõ dự thảo ngân sách của Rome không đáp ứng các khuyến nghị của EU về các mục tiêu của nước này trong việc hạn chế chi tiêu ngân sách và giảm nợ công.

Liên quan đến dự thảo ngân sách 2020 của Pháp, EC cũng đã cảnh báo Bộ Tài chính nước này rằng dự thảo này không phù hợp với những cam kết mà Paris đã đưa ra với Brussels về vấn đề nợ công.

Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ cũng đã nhận được thư cảnh báo của EC về các vấn đề liên quan đến dự thảo ngân sách của mình.

Đây cũng là 3 nước chưa nộp dự thảo ngân sách 2020 hoàn chỉnh lên EU xem xét theo đúng hạn chót 15/10 mà liên minh đã đề ra do chậm trễ trong việc thành lập chính phủ sau các cuộc bầu cử hay nội các mới chưa tuyên thệ nhậm chức (trường hợp của Bồ Đào Nha).

EC cảnh báo các biện pháp ngân sách hiện giờ của 3 nước có khả năng vi phạm nguyên tắc tài chính của EU.

Trong khi đó, Phần Lan cũng đã nhận được thư cảnh báo của EU về việc chi tiêu công của nước này liên tục tăng.

Helsinki hồi đáp rằng đây chỉ là những biện pháp tạm thời và cần thiết để thúc đẩy thị trường việc làm và cải thiện tài chính công.

Trước đó, ngày 16/10, Italy đã nộp dự thảo ngân sách 2020 lên EC, với hy vọng Brussels nhất trí với mức thâm hụt ngân sách 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong khi đó, dự thảo ngân sách mà Pháp nộp lên hồi tháng trước đề xuất cắt giảm 9 tỷ euro tiền thuế của các hộ gia đình và tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Trong trường hợp các nước thành viên tiếp tục phớt lờ cảnh báo và không có sự điều chỉnh theo khuyến nghị của EC, cơ quan này có thể thúc đẩy tiến trình tìm kiếm các biện pháp trừng phạt các nước vi phạm nguyên tắc tài chính của EU.

Trường Dụy - Lan Phương

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.