|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EU bàn về giải pháp chống đói nghèo và bất bình đẳng hậu đại dịch

19:52 | 08/05/2021
Chia sẻ
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/5 đã tham dự hội nghị bàn về giải pháp chống đói nghèo và bất bình đẳng khi khối này thoát khỏi đại dịch COVID-19, nhưng có những bất đồng về những hạn chế đối với vai trò của EU trong việc tái xây dựng một nền kinh tế công bằng.
EU bàn về giải pháp chống đói nghèo và bất bình đẳng hậu đại dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Getty Images).

Hội nghị diễn ra tại thành phố Porto của Bồ Đào Nha, với sự tham dự của hầu hết các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU. Một số ít nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hà Lan Mark Ruttechỉ tham dự trực tuyến, vẫn lo ngại về sự lây lan của dịch.

Phiên họp về các vấn đề xã hội có sự hiện diện của đại diện xã hội dân sự và các nghiệp đoàn cũng như Tổng thống Pháp và các nhà lãnh đạo khác.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng về các vấn đề xã hội này diễn ra rất đúng thời điểm khi châu Âu trải qua một năm rất khó khăn. Các vấn đề xã hội như việc làm, đào tạo và chống đói nghèo cần phải là ưu tiên.

Hội nghị diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bồ Đào Nha, một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp nhất châu Âu, bước vào giai đoạn cuối để dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch.

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho rằng đại dịch đã cho thấy cái giá của những điều kiện làm việc tạm thời và bất bình đẳng giới cũng như sự cần thiết phải quản lý những dạng thức việc làm mới như các nền tảng kỹ thuật số và làm việc từ xa.

Trọng tâm khi thảo luận về vấn đề kinh tế tại hội nghị sẽ là đề xuất không mang tính ràng buộc của EC về mục tiêu đạt tỷ lệ việc làm 78% vào năm 2030, đào tạo cho ít nhất là 60% số người trưởng thành mỗi năm và số người có nguy cơ nghèo đói giảm 15 triệu.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền con người, Olivier De Schutter, cho rằng kế hoạch hành động về xã hội của EU rõ ràng còn thiếu tham vọng. Ông nói có 700.000 người châu Âu đang phải ngủ ngoài đường mỗi đêm và hơn 20 triệu người nghèo do sự gia tăng các hợp đồng làm việc "lỏng lẻo".

27 nước thành viên EU vẫn bất đồng sâu sắc về các vấn đề xã hội. Các nước Nam Âu như Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha quyết tâm thúc đẩy việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương về kinh tế, trong khi các nước giàu ở Bắc Âu và các nước Đông Âu phản đối việc đi xa hơn trong vấn đề này.

Lê Minh