|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

ESOP sưởi ấm startup trong ‘mùa đông gọi vốn’

08:00 | 07/11/2024
Chia sẻ
Các công ty khởi nghiệp đang ngày càng chú trọng chương trình ESOP cho nhân viên nhằm tăng tính cam kết, thu hút nhân tài.

Nhân viên chia sẻ rủi ro trong việc xây dựng startup có nên cùng hưởng thành quả với ban lãnh đạo? Nhiều startup ở Đông Nam Á dường như ngày càng đồng tình với quan điểm này, theo Tech in Asia.

Một khảo sát về kế hoạch ESOP cho nhân viên ghi nhận ngày càng có nhiều công ty cung cấp phúc lợi này. Năm 2021, cứ 10 startup thì có 6 công ty áp dụng ESOP. Đến nay, con số này đã tăng lên 8/10, theo một nghiên cứu của Saison Capital, XA Network và Carta.

Kể từ đó, ngành công nghệ đã chịu nhiều khó khăn, và nguồn vốn gọi đầu tư giảm mạnh. Vậy điều này ảnh hưởng như thế nào đến ESOP?

ESOP đơn giản là một chương trình quyền chọn mua cổ phần dành cho nhân viên. Nhân viên có quyền mua cổ phần của công ty với mức giá ưu đãi hoặc được cấp cổ phần nếu họ đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Các startup ngày càng chú trọng vào ESOP. (Đồ hoạ: Tech in Asia).

Đối với nhà đầu tư, việc nhà sáng lập cam kết với ESOP cho thấy sự trưởng thành và hiểu biết về giá trị lâu dài. ESOP cũng đóng vai trò lớn trong việc thu hút nhân tài, đặc biệt ở những thị trường mới nổi nơi nguồn nhân lực khan hiếm.

Chẳng hạn, D3 Labs - một công ty trong danh mục đầu tư của Saison Capital, đã thu hút lãnh đạo cấp cao từ các công ty lớn như DBS và Macquarie Group trước cả khi hoàn thành vòng gọi vốn pre-seed. Một phần lý do là nhờ vào việc triển khai ESOP hiệu quả.

Việc triển khai ESOP đòi hỏi có kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng thường là tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư.

Kết quả khảo sát cho thấy, ngoài việc số lượng startup áp dụng chương trình ESOP tăng lên, các công ty cũng đang triển khai chương trình này sớm hơn. Năm 2021, có 82% startup triển khai ESOP trước vòng gọi vốn Series A, và hiện tại con số này đã tăng lên 92%.

Điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay là yếu tố lớn thúc đẩy các startup triển khai ESOP. Hiện tại, 40% nhà sáng lập chọn chương trình này để giảm chi phí và tăng tính linh hoạt về tài chính, so với chỉ 28% vào năm 2021.

Việc mở rộng ESOP mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nhà sáng lập có thể trả một phần lớn hơn trong gói đãi ngộ bằng cổ phiếu, giúp tiết kiệm tiền mặt. Thay vì chi trả toàn bộ đãi ngộ bằng tiền mặt, công ty dành một phần dưới dạng cổ phần, giúp giảm áp lực về dòng tiền, một yếu tố quan trọng với các startup có nguồn vốn hạn chế. 

Việc tiết kiệm tiền mặt này cho phép công ty tập trung nguồn lực vào các mục tiêu quan trọng như phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, hoặc ứng phó với các biến động tài chính.

Đồng thời, ESOP giúp thu hút và giữ chân nhân tài khi nhân viên có cơ hội sở hữu cổ phần công ty và hưởng lợi nhiều hơn nếu startup phát triển tốt. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí tiền mặt mà còn tạo động lực để nhân viên cống hiến, vì sự thành công của công ty sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho họ.

Dữ liệu từ Carta cũng cho thấy tỷ lệ cổ phần dành riêng cho ESOP đang tăng dần, từ 9% vào năm 2021 lên 12,6% vào năm 2024. Điều này cho thấy nhà sáng lập ngày càng đánh giá cao chương trình cổ phiếu và mở rộng chương trình để thu hút và giữ chân nhân tài.

Nói rộng ra, xu hướng này cũng đang xuất hiện tại châu Á.

Năm 2021, chỉ có 5 trong 10 startup tại khu vực cung cấp quyền chọn cổ phiếu cho nhân viên ngoài ban lãnh đạo cấp cao. Nghĩa là một nửa số công ty chỉ giới hạn ESOP cho các vị trí cấp cao và các nhân viên khác không được tham gia.

Tuy nhiên, hiện nay đã có 7 trên 10 startup cung cấp quyền chọn cổ phiếu cho cả nhân viên ngoài ban lãnh đạo cấp cao. Đây là một điểm đáng chú ý, dù không phải công ty nào cũng có thể thực hiện được, nhất là khi có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào nhân viên hợp đồng, bán thời gian, hoặc tự do.

Ngoài ra, các startup cũng đang nỗ lực nhiều hơn trong việc giải thích về ESOP cho nhân viên. Hiện tại, 9 trên 10 startup giải thích về chương trình này cho nhân viên trước khi họ gia nhập công ty, so với 7,5 trên 10 vào ba năm trước.

Điều này rất quan trọng vì giúp tránh các tình huống nhân viên cảm thấy bị thiệt thòi hoặc không hiểu hết giá trị tiềm năng của chương trình ESOP.

Cuối cùng, nhiều nhà sáng lập đã giảm mức giá thực hiện cho ESOP, giúp chương trình trở nên dễ tiếp cận hơn. Giá thực hiện là số tiền nhân viên cần chi trả để thực hiện quyền chọn cổ phiếu, đặc biệt khi họ rời công ty.

Hiện nay, có một nửa nhà sáng lập tham gia khảo sát – so với chỉ 13% vào năm 2021 – đã cấu trúc ESOP với mức giá thực hiện thấp hoặc không đáng kể. Điều này giúp nhân viên không phải bỏ ra số tiền lớn để thực hiện quyền chọn cổ phiếu, nhất là trước khi ESOP có giá trị đáng kể.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Huy

Chứng khoán Mỹ bốc đầu, Dow Jones tăng 1.500 điểm sau chiến thắng của ông Trump
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều vọt tăng sau khi ông Trump được xác nhận sẽ trở lại Nhà Trắng. Thị trường kỳ vọng các chính sách dưới thời ông Trump sẽ giúp nền kinh tế Mỹ mạnh hơn, nhưng kèm theo đó là lạm phát cao hơn.