Elon Musk và phong cách lãnh đạo 'khác người': Thích là làm, không quan tâm tới nhân viên, luôn tin tưởng 100% thành công
Khi Twitter đàm phán bán cho Elon Musk vào tháng trước, công ty truyền thông xã hội này đã đưa ra một quy trình về thâu tóm. Tuy nhiên, tỷ phú giàu nhất thế giới đã làm ngược lại.
Chia sẻ với một cộng sự thân cận, Elon Musk cho biết chẳng có kế hoạch tài chính hay cách quản trị nào đối với Twitter, theo New York Times. Để thúc đẩy thương vụ trị giá 44 tỷ USD, ông đã nhờ đến sự giúp đỡ của một nhóm nhỏ, bao gồm Jared Birchall, người đứng đầu văn phòng gia đình và Alex Spiro, luật sư riêng. Khi Twitter từ chối lời đề nghị, Musk đã gây sức ép ngược lại bằng một loạt tweet.
Các tỷ phú công nghệ như Bill Gates, Jeff Bezos và Larry Page thường lập kế hoạch dài hạn và quản lý công việc của họ thông qua bộ máy công ty gồm các luật sư, chuyên gia truyền thông và các cố vấn khác nhau. Musk, trong khi đó, hoạt động không giống một ai.
Theo những nhân viên cũ và những nhà đầu tư đã làm việc cùng Elon Musk, ông là người hành động theo ý thích với những suy nghĩ bất chợt và niềm tin rằng bản thân đúng 100%. Dù Elon Musk đã chứng tỏ thành công trong lĩnh vực xe điện, vũ trụ và trí tuệ nhân tạo, nhưng ông thường dựa gần như hoàn toàn vào ý định của mình và ý kiến của một nhóm nhỏ cố vấn.
Để vận hành theo cách này, Musk đã xây dựng một thế giới riêng với khoảng 10 người, những người hầu hết ủng hộ quan điểm của ông. Họ bao gồm anh trai Kimbal Musk, Birchall, Spiro và một số nhà tham mưu khác. Để quản lý nhiều ý tưởng của mình, Musk liên tục tạo ra các công ty mới, chủ yếu cấu trúc theo cách ông có quyền kiểm soát. Những người đáng tin cậy thường làm việc ngay tại những đế chế kinh doanh của Elon Musk.
Khi Musk xác định được dự án trọng điểm của mỗi công ty, ông sẽ đảm nhận để đảm bảo rằng tầm nhìn của bản thân là đúng, kiểm soát từ những khía cạnh nhỏ nhát.
“Elon Musk làm việc theo cách mà chỉ những nhà lãnh đạo tự tin nhất mới làm. Hãy nghĩ về J.F.K., George Washington và Ronald Reagan”, Tim Draper, một nhà đầu tư mạo hiểm đang nắm giữ cổ phiếu Tesla cho biết.
Tại một hội nghị năm 2018, Musk giải thích rằng ông hành xử theo sự bốc đồng. Đó là bài học mà CEO Tesla đã học cách đây hơn 25 năm, sau khi thành lập startup đầu tiên mang tên Zip2.
“Tôi thực sự không có kế hoạch kinh doanh. Tôi đã có một kế hoạch kinh doanh trong những ngày đầu thành lập Zip2. Nhưng những điều này luôn sai, vì vậy tôi không bận tâm đến các kế hoạch kinh doanh sau đó”, Elon Musk chia sẻ.
Cách Elon Musk vận hành có ý nghĩa đối với những gì ông có thể làm với Twitter. Công ty có trụ sở tại San Francisco đã náo động về thương vụ này. Khi thương vụ diễn ra, chủ sở hữu mới của Twitter đã công khai chỉ trích chính nền tảng này, nhắm vào cả các giám đốc điều hành cấp cao của Twitter.
Tuần trước, Parag Agrawal, CEO Twitter, đã nói với hơn 7.000 nhân viên của công ty rằng một khi ông Musk tiếp quản, “chúng tôi không biết công ty này sẽ đi theo hướng nào”.
Nắm quyền kiểm soát
Sinh ra ở Pretoria, Nam Phi, Elon Musk bắt đầu quan tâm đến máy tính và ngôn ngữ lập trình từ khi còn nhỏ. Sau khi học đại học ở Canada, ông chuyển đến Mỹ vào năm 1992, tốt nghiệp với bằng kinh tế và vật lý tại Đại học Pennsylvania và sau đó đăng ký học lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Stanford.
Gần như ngay lập tức, Elon Musk đã bỏ học Stanford để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh. Lần startup đầu tiên vào năm 1995 là dịch vụ hướng dẫn du lịch có tên Zip2. Nhà sản xuất máy tính Compaq sau đó đã mua lại Zip2 với giá hơn 300 triệu USD.
Năm 1999, Elon Musk đã giúp thành lập X.com, một công ty thanh toán trực tuyến sau này được biết đến với tên gọi PayPal. Ở đó, ông bắt đầu công khai các tuyên bố kinh doanh, ngay cả khi nhân viên chưa sẵn sàng.
Trong một lần xuất hiện trên truyền hình, Elon Musk cho biết công ty sẽ đảm bảo các giao dịch trên tất cả cuộc đấu giá trên eBay. Đây là lần đầu tiên các kỹ sư của công ty nghe nói về tính năng này, một người làm việc với Elon Musk vào thời điểm đó cho biết. Người này nói thêm rằng họ đã phải chạy đua để biến tính năng này thành hiện thực.
Năm 2000, hội đồng quản trị X.com và CEO Peter Thiel đã lật đổ Musk vì những bất đồng về hướng đi của công ty. Đó là một lối thoát “đau đớn” cho Elon Musk, người đã sớm ôm ấp ý tưởng rằng bản thân nên chịu trách nhiệm về các dự án kinh doanh trong tương lai.
Khi xây dựng các doanh nghiệp mới, ông muốn đảm bảo rằng mình có thể phát huy hết ý chí tại mỗi công ty. Elon Musk đã rót hơn 100 triệu USD tiền túi vào SpaceX trong những năm đầu thành lập và nắm quyền kiểm soát phần lớn công ty. Tại Tesla, Elon Musk cũng sở hữu 16% cổ phần và thành lập hội đồng quản trị với những gương mặt mà ông tín nhiệm, bao gồm anh trai ông và Antonio Gracias, một người bạn lâu năm và cũng là nhà đầu tư.
Ngày nay, Elon Musk giám sát hoặc liên kết với ít nhất 10 công ty, bao gồm cả công ty đại chúng, công ty tư nhân và các công ty mẹ như Wyoming Steel, công ty mà ông sử dụng để quản lý bất động sản.
Tuyển dụng những người có năng lực, làm việc lâu năm
Vì thành lập và giám sát nhiều công ty, Elon Musk thường tuyển những người có năng lực. Một trong số đó là Mary Beth Brown, người được ông thuê vào năm 2002 để làm trợ lý điều hành. Sau này, bà đã trở thành người chịu trách nhiệm cho cả mảng truyền thông, tài chính cho Tesla và SpaceX, đồng thời quản lý công việc hàng ngày cho Elon Musk.
Cùng năm đó, Musk đã thuê Gwynne Shotwell làm nhân viên thứ 7 của SpaceX. Với tư cách là chủ tịch và giám đốc điều hành của nhà sản xuất tên lửa, bà Shotwell đã giám sát sự phát triển của công ty, trở thành một trong những nhân viên lâu năm nhất của Elon Musk.
Tại một hội nghị vào năm 2018, bà Shotwell đã giải thích cách bà quản lý công việc cho Elon Musk. “Khi Elon nói điều gì đó, bạn phải dừng lại và không được thốt lên ngay lập tức, kiểu như “Chà, điều đó là không thể” hoặc “Không đời nào chúng ta làm điều đó”. Thay vào đó, bạn phải tìm mọi cách để làm được điều đó”, bà Shotwell cho biết.
Elon Musk cũng bắt đầu coi danh mục đầu tư các công ty của mình như một tổ chức duy nhất. Năm 2015, ông cùng Sam Altman, một doanh nhân ở Thung lũng Silicon, và một nhóm các nhà nghiên cứu thành lập OpenAI, một phòng thí nghiệm phát triển trí tuệ nhân tạo để mang lại lợi ích cho nhân loại.
Trong vòng vài tháng, Elon Musk đã mời một số nhà nghiên cứu OpenAI đến để trợ giúp cho hệ thống lái xe có hỗ trợ của Tesla, Autopilot. Sau đó, ông đã bổ nhiệm một nhà nghiên cứu OpenAI, Andrej Karpathy, làm giám đốc cấp cao về trí tuệ nhân tạo của Tesla.
Thay đổi phong cách lãnh đạo
Năm 2016, đế chế kinh doanh của Musk đã phát triển mạnh mẽ. Trong những tình huống đầy áp lực, vị tỷ phú này đôi khi thể hiện một bộ mặt xấu xí trong phong cách quản lý.
Tháng 6/2016, Tesla đang giải quyết vụ tai nạn chết người của Joshua Brown, người đã sử dụng công nghệ Autopilot khi chiếc xe của anh ta lao vào một xe đầu kéo băng qua đường cao tốc. Trong một cuộc gọi giữa Tesla và Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia, Paul Hemmersbaugh, khi đó là cố vấn chung của cơ quan quản lý, giải thích rằng họ đang mở một cuộc điều tra chính thức về Autopilot.
Elon Musk đã ngắt lời, hét lên trong điện thoại rằng sẽ kiện nếu việc điều tra được thực hiện. Hôm sau, Musk đã hạ giọng và việc điều tra được tiến hành bình thường.
Các quyết định của Musk thường khiến nhân viên của ông khổ sở. Tháng 9/2016, Musk đã đến Guadalajara, Mexico, để đưa ra thông báo tại Đại hội Phi hành gia Quốc tế về kế hoạch vận chuyển con người lên Sao Hỏa của SpaceX. Tuy nhiên, cho đến khi ông bước lên sân khấu, một số giám đốc điều hành của ông, những người phải thông báo cho NASA và các đối tác khác, không biết ông định nói gì.
Tại Tesla, các kỹ sư làm việc về Autopilot đã rất ngạc nhiên trước dòng tweet của ông Musk vào năm 2016 thông báo về thời điểm Tesla sẽ công bố một phiên bản mới của hệ thống. Vào năm 2017, họ đã bị bất ngờ bởi một tweet khác từ sếp của mình, nói rằng một phiên bản Autopilot tiên tiến hơn, được gọi là Full Self Driving, sẽ ra mắt trong 6 tháng nữa.
Một năm đầy biến động
2018 là một năm đầy biến động với Elon Musk khi phong cách điều hành ngẫu hứng đã khiến ông gặp nhiều tổn thất.
Tại Tesla, Musk thúc đẩy tăng cường sản xuất mẫu sedan Model 3. Với niềm tin phải hoàn thành nhiệm vụ, ông đã sa thải giám đốc điều hành phụ trách sản xuất và quyết định tự mình cải tạo lại toàn bộ dây chuyền lắp ráp của nhà máy công ty ở Fremont, California. Thậm chí, ông đã ngủ lại nhà máy để cố gắng hoàn thành công việc
Sau khi đại tu Model 3, Elon Musk cho biết bản thân cảm thấy mệt mỏi với việc Tesla phải điều hướng trước áp lực của thị trường đại chúng. Ngày 2/8/2018, Musk đã soạn thảo một email gửi đến hội đồng quản trị của công ty với dòng tiêu đề: “Tôi đang nghĩ đến đề nghị mua Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu. Nguồn tiền đã được đảm bảo”.
Dù vậy, số tiền này chưa bao giờ thành hiện thực. Thậm chí, dòng tweet với nội dung tương tự được Elon Musk đăng trên trang cá nhân đã báo hại ông cùng Tesla phải nộp phạt mỗi người 20 triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.
Trong email gửi đến một nhà tư vấn quan hệ công chúng được phát hành trước phiên tòa, ông Musk nói rằng việc gửi thông tin cho một phóng viên là “một trong những điều ngu ngốc nhất mà tôi từng làm”.
Biến Twitter thành nơi vui vẻ tối đa
Trong cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, Elon Musk luôn thể hiện tình yêu với mạng xã hội Twitter. Hàng ngày, ông đăng hàng chục dòng tweet với các nội dung khác nhau, từ mỉa mai những người bán khống cổ phiếu Tesla, chia sẻ meme, suy nghĩ về đại dịch, chính trị hay Dogecoin.
Năm 2020, Elon Musk đã loại bỏ bộ phận truyền thông của Tesla, một phần vì ông cảm thấy bản thân có thể tiếp cận trực tiếp với công chúng và khách hàng qua Twitter, theo lời kể từ những nhân viên cũ.
Tình yêu của Musk dành cho công ty truyền thông xã hội này đã thôi thúc ông mua lại nó. Để thực hiện thỏa thuận vào tháng trước, ông đã nhờ Birchall xử lý các công việc và liên lạc với Twitter, còn ông Spiro đảm nhận vai trò nói chuyện với giới truyền thông. Musk cũng thành lập ba công ty mới có tên X Holdings I, II và III, có liên quan đến việc tài trợ cho giao dịch Twitter, theo hồ sơ chứng khoán.
Hai ngày sau khi đạt thỏa thuận mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, Elon Musk đã viết: “Hãy làm cho Twitter trở thành nơi vui vẻ một cách tối đa”.