Duy trì sức hút với Foxconn, Apple, Nike…
Theo Nikkei Asia, nhiều công ty quốc tế đã chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chẳng hạn, Foxconn, Sony, Panasonic, Intel, LG và Apple đã thiết lập cơ sở tại Việt Nam.
Tháng 8, Google cũng công bố rằng họ đang xem xét việc xây dựng một trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2027.
Các công ty may mặc và giày dép như Nike, Crocs và Adidas cũng đang hoạt động tại Việt Nam. Phần lớn các công ty này đặt cơ sở tại khu vực phía Bắc, một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm, chiếm hơn 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 26% tổng vốn FDI của cả nước.
Việc các công ty chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam là một phần trong xu hướng lớn hơn của khu vực. Lần đầu tiên, 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á thu hút nhiều FDI hơn Trung Quốc, đạt 206 tỷ USD vào năm 2023, theo báo cáo của Ngân hàng DBS. Việt Nam đứng đầu trong danh sách này.
Nhiều công ty đã bắt đầu rời Trung Quốc từ năm 2018, ngay sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại. Các lý do khác bao gồm sự chuyển đổi của Trung Quốc từ nền kinh tế sản xuất thâm dụng lao động sang kinh tế công nghệ cao, chi phí lao động tăng, các chính sách thương mại,…
Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ vào mức lương hợp lý, các chính sách đầu tư thuận lợi và nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức khi thiếu nguồn cung điện và hạ tầng lưới điện cần thiết để đáp ứng lượng đầu tư và phát triển kinh tế đang gia tăng.
Việt Nam có giải pháp để giải quyết vấn đề này, nhưng không dễ dàng và nhanh chóng. Một số giải pháp bao gồm tiết kiệm năng lượng, nâng cấp lưới điện, cải cách quy định, phát triển năng lượng tái tạo, và tăng sản lượng điện từ các dự án nhiệt điện than.
Trong 5 tháng đầu năm, than chiếm 59% sản lượng điện của Việt Nam, có ngày lên đến hơn 70%, theo dữ liệu từ EVN. Con số này tăng đáng kể so với hơn 40% của ba năm trước. Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng than có thể làm ảnh hưởng đến các mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam.
EVN cũng đang khuyến khích tiết kiệm năng lượng để giảm tiêu thụ điện. Việt Nam cũng có thể tận dụng năng lượng mặt trời, vì hiện Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về công suất năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, lưới điện hiện tại chưa đủ khả năng để tiếp nhận thêm nhiều năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo.
EVN đã đầu tư vào việc nâng cấp. Một đường dây truyền tải mới trị giá 1 tỷ USD kết nối miền Trung với khu vực công nghiệp hóa cao ở miền Bắc sắp hoàn thành. Nhưng theo ông Trịnh Mai Phương, Trưởng ban truyền thông của EVN, đây có thể vẫn chưa đủ và không phải là giải pháp triệt để.
Tháng 4, Bộ Công Thương đã đưa ra phương pháp mới để tính giá điện. Đây là bước đầu tiên để khởi động lại các dự án năng lượng bị đình trệ nhiều năm do chưa rõ ràng về mức giá. Tuy nhiên, phương pháp mới này có thể làm tăng rủi ro tài chính cho các nhà phát triển dự án. Hiện vẫn chưa rõ tác động của thay đổi này sẽ ra sao.
Tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã thông qua thỏa thuận mua bán điện trực tiếp đầy tiềm năng, cho phép các doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là các nhà sản xuất, mua điện trực tiếp từ các nhà cung cấp năng lượng tái tạo, không cần thông qua EVN. Đây là một bước đi đúng hướng, nhưng sẽ cần thời gian và kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Tờ Nikkei kỳ vọng Việt Nam có thể kết hợp những giải pháp này để cải thiện lĩnh vực năng lượng, vừa giữ chân các công ty quốc tế đang hoạt động, vừa thu hút thêm các doanh nghiệp khác chuyển hoạt động sản xuất sang.