|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đường sắt TPHCM - Cần Thơ: Phương án sử dụng đất đối ứng chưa 'thuyết phục'

08:21 | 20/04/2019
Chia sẻ
Liên quan việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ, tư vấn đề xuất điều chỉnh hướng tuyến để sử dụng các quỹ đất hoàn vốn cho dự án khả thi hơn. Tuy nhiên, phương án khai thác quỹ đất vẫn chưa "thuyết phục" được người đứng đầu ngành giao thông vận tải.
Đường sắt TPHCM - Cần Thơ: Phương án sử dụng đất đối ứng chưa thuyết phục - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bổ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (đứng) trình bày tại buổi làm việc về dự án đường sắt cao tốc TPHCM- Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Tư vấn muốn thay đổi hướng tuyến

Báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) tại buổi làm việc liên quan đến dự án đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ diễn ra tại tỉnh Tiền Giang vào hôm nay, 19-4, cho biết, trên cơ sở ý kiến thỏa thuận của các địa phương, gồm Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, dự án đường sắt cao tốc TPHCM- Cần Thơ đã được phê duyệt vào năm 2013 tại Quyết định 2563/QĐ- BGTVT.Tư vấn muốn thay đổi hướng tuyến

Theo đó, hướng tuyến của dự án có điểm đầu hàng hóa tại ga An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm đầu hành khách tại ga Tân Kiên, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM và điểm cuối tại ga Cái Răng, quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 Km.

Tuy nhiên, để dự án có thể triển khai hiệu quả, đơn vị tư vấn gồm Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam và Công ty cổ phần Tư vấn kỹ thuật Giao thông Vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) đã có đề xuất thay đổi hướng tuyến đã được phê duyệt vào năm 2013 nhằm đạt hiệu quả triển khai dự án.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện TEDI SOUTH cho biết, hướng tuyến của dự án đã được duyệt xác định là bám sát các đô thị, bao gồm khu vực: thị trấn Bến Lức, Thành phố Tân An (Long An), Mỹ Tho, Cái Bè (Tiền Giang), Thành phố Vĩnh Long (Vĩnh Long) và Cần Thơ. "Quyết định được duyệt có 14 ga và 2 trạm khách", vị này cho biết.

Tuy nhiên, theo vị này, tư vấn đề xuất đầu tư giai đoạn 1, từ ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TPHCM) về thành phố Cần Thơ, còn đoạn từ Tân Kiên đến ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương) khoảng 33 km sẽ đầu tư ở giai đoạn sau.

Theo đó, do xuất phát từ mục tiêu đầu tư của dự án là xã hội hóa, tức sử dụng các nguồn thu liên quan đến dự án để cân đối, bù đắp cho kinh phí để đầu tư xây dựng, mà cụ thể là nhà đầu tư định hướng phương án đầu tư là PPP (kết hợp giữa BT và BOT), tức sử dụng nguồn thu từ vé và sử dụng nguồn thu từ Quỹ đất xung quanh các ga.

“Trên cơ sở đó, sau khi rà soát hướng tuyến đã được bộ duyệt, thì dù sức hấp dẫn hành khách tốt, nhưng quỹ đất cho nhà đầu tư phát triển các đô thị ở các ga có phần hạn chế vì khối lượng giải phóng mặt bằng lớn cũng như quỹ đất còn hạn hẹp, cho nên, nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM- Cần Thơ”, vị này giải thích.

Theo đó, hướng tuyến mới bám sát đi theo bên trái đường bộ cao tốc, hướng từ TPHCM- Trung Lương- Cần Thơ và theo hướng tuyến mới sẽ có khoảng 100 km được điều chỉnh so với hướng tuyến đã được duyệt, chủ yếu qua Long An, Tiền Giang và một phần của TPHCM.

"Lơ mơ" phương án sử dụng quỹ đất

Để hoàn vốn cho dự án, ngoài thu từ vé, tư vấn cũng đề xuất sử dụng Quỹ đất xung quanh 7 ga đi qua TPHCM, Long  An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Chẳng hạn, tại ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh, tư vấn đề xuất sử dụng quỹ đất có diện tích 138,2 héc ta thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh để hoàn vốn.

Vị đại diện TEDI SOUTH cho biết, tất cả những khu đất tại các ga được định hướng phát triển đô thị, tức xin chuyển từ đất nông nghiệp và các loại đất khác sang đất đô thị. “Sinh lợi cho dự án, thì khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ tạo ra sự chênh lệch, thì chênh lệch đó sẽ đem lại lợi ích cho dự án”, vị đại diện TEDI SOUTH giải thích và nói rằng còn việc phát triển dự án cụ thể gì trên quỹ đất đó là một dự án khác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải không đồng tình với thuyết trình như trên của vị đại diện TEDI SOUTH khi cho rằng điều mà ông muốn biết đó là tại những quỹ đất xung quanh các ga sẽ đầu tư những hạn mục công trình cụ thể ra sao.

“Ông phải tính ông làm cái gì ở đây (quỹ đất tại các ga) và bây giờ đất ở đây giá báo nhiêu và khi ông chuyển sang làm cái gì đó, nó sinh lợi gì?”, ông Thể nêu câu hỏi và cho rằng phải tính toán được như vậy mới có thể đề xuất dự án.

Theo ông Thể, muốn dự án khả thi, thì trên cơ sở quỹ đất được cấp phải thể hiện rõ ràng, chi tiết đầu tư ra sao, phải tính toàn bộ các quỹ đất sinh lợi như thế nào, thì dự án mới khả thi. “Phải thực hiện như vậy bộ mới có cơ sở đề trình Chính phủ phê duyệt dự án chứ”, ông nói.

Về việc này, vị đại diện của Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam nói rằng, sẽ đầu tư các đô thị thông minh. “2 tháng nay chúng tôi làm với chuyên gia tư vấn nước ngoài và việc này TEDI SOUTH chưa tham gia vào nên chưa nắm cái này”, ông giải thích.

Tuy nhiên, giải thích trên cũng chưa làm hài lòng được vị tư lệnh ngành Ggao thông vận tải khi ông tái nhấn mạnh, điều ông muốn biết là cụ thể những hạng mục nào sẽ được đầu tư trên các quỹ đất được giao.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc ông Thể chưa đưa ra kết luận cụ thể về dự án, mà yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện và phải đề ra được các giải pháp hoàn vốn về tài chính cho dự án từ việc đề xuất điều chỉnh hướng tuyến này. "Việc này phải được hoàn thành trong 3 tháng và nếu chậm nhất là sau 6 tháng", ông cho biết và yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam hỗ trợ cho tư vấn.

Trung Chánh

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.